Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán nhằm hỗ trợ khách hàng, nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống.
Trong đó, các công cụ chính sách tiền tệ đã được điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN đã ban hành các Thông tư cho phép TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2020/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, áp dụng đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi trước ngày 30/6/2022), tạo điều kiện để khách hàng gặp khó khăn tạm thời được giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, không bị chuyển nhóm nợ và có thể tiếp cận nguồn vốn vay khôi phục sản xuất kinh doanh.
NHNN đã ban hành các Thông tư quy định về tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức Hội nghị trực tuyến lắng nghe các kiến nghị của các địa phương và hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách đảm bảo đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách.
NHNN đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí dịch vụ, đồng hành với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Kết quả, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.038 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Trước đó, đến ngày 09/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong 20 ngày cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã tăng mở rộng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô gần 125.330 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng trong tháng 6 là tương đương so với tháng 4 và tháng 5. Dù vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng trưởng của tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong quý II (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5 và 9,35% vào cuối tháng 6)./.
THÀNH ĐỨC