Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến một kế hoạch giải cứu kinh tế cho các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, song kế hoạch có thể không được như mức kỳ vọng của Italy và Tây Ban Nha.
Bộ trưởng Tài chính của 27 nước EU sẽ tham dự hội nghị trực tuyến trong ngày 7/4 (giờ địa phương) và dự kiến sẽ nhất trí thỏa thuận sử dụng quỹ cứu trợ trị giá 410 tỷ euro (443 tỷ USD) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia giàu có ở miền Bắc và những nước ở miền Nam đang ngập trong nợ nần, các bộ trưởng dự kiến sẽ đưa ra một đề xuất để phát hành trái phiếu Corona, nhằm tạo quỹ vay mượn giữa các quốc gia EU để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.
Một nhóm các quốc gia bao gồm Italy, Pháp và Tây Ban Nha đang kêu gọi Đức, Áo và Hà Lan thiết lập các công cụ nợ chung để bù đắp những tác động kinh tế của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chính trị gia bảo thủ ở Bắc Âu lo ngại các kế hoạch nợ chung này sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chia sẻ tất cả các khoản nợ công và người nộp thuế nước họ sẽ phải chi trả cho sự hoang phí của các nước Nam Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6/4 đã nhắc lại lập trường của chính phủ nước này về việc kích hoạt quỹ cứu trợ Cơ chế Ổn định châu Âu để giúp các nước đang gặp khó khăn, nhưng hoàn toàn không đề cập đến quỹ vay mượn chung. Bà cũng hoan nghênh gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Pháp khẳng định rằng sự hủy diệt kinh tế do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra đòi hỏi một cách suy nghĩ mới của EU và muốn các nước thành viên giúp đỡ lẫn nhau theo những cách chưa từng thấy.
Các nguồn tin dự đoán Đức và các đồng minh có thể sẽ thắng thế trong hội nghị trực tuyến ngày 7/4, mặc dù các bộ trưởng sẽ đồng ý tiếp tục thảo luận về các ý tưởng như trái phiếu Corona.
Theo VN+