Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Bộ Tài chính Indonesia ngày 6/4 cho biết chính phủ nước này cũng sẽ tăng mục tiêu phát hành trái phiếu trong năm 2020 từ mức 160,2 nghìn tỷ rupiah lên 549,6 nghìn tỷ rupiah, nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, được dự báo có thể lên tới 5,07% GDP.
Mới đây, Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo tuyên bố sẽ giải ngân thêm 405,1 nghìn tỷ rupiah cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, tập trung cho các chương trình y tế, bảo trợ xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ được cho là rất khó khăn trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang rút khỏi thị trường.
Tính đến chiều ngày 6/4, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã lên tới 8,17%, mức cao nhất trong một năm rưỡi vừa qua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhận thấy rủi ro ngày càng tăng đối với các loại tài sản của Indonesia.
Theo Sắc luật số 1/2020 được Tổng thống Jokowi ban hành hồi tuần trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) được phép mua trái phiếu chính phủ tại các phiên đấu giá. Sắc luật này bãi bỏ Luật về BI năm 1999, theo đó chỉ cho phép cơ quan này mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến hôm 6/4 với Ủy ban XI thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cam kết minh bạch nhằm duy trì sự tín nhiệm đối với các chính sách tài chính và tiền tệ.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính Indonesia, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 148,76 nghìn tỷ rupiah, trong đó có 135,08 nghìn tỷ rupiah trái phiếu chính phủ và 9,71 nghìn tỷ rupiah cổ phiếu.
Theo VN+