(BKTO) - Cuộc đời ai cũng có những chuyến đi và có những chuyến đi đem đến sự trải nghiệm thật đặc biệt. Với chúng tôi, chuyến đi thiện nguyện của ba đơn vị sự nghiệp ngành KTNN đến với vùng cao tỉnh Điện Biên, tận mắt chứng kiến và cảm nhận những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào và các em học sinh nơi đây là một chuyến đi đặc biệt như thế




Hành trình đến với những điểm trường

Thôi thúc lên đường

Chuyến đi thiện nguyện này khởi đầu là ý tưởng của các đồng chí lãnh đạo Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - và Công đoàn Trường sau đó cũng nhận lĩnh trách nhiệm chủ trì, khi nêu ra đã được lãnh đạo và Công đoàn Báo Kiểm toán, Trung tâm tin học hết sức đồng tình, cùng tham gia tổ chức. Ngoài ra, ngay từ khi làm công tác chuẩn bị, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn rất thiết thực của KTNN Khu vực VII - đơn vị phụ trách địa bàn Tây Bắc.

Từ cách đây mấy tháng, khi những hình ảnh về sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh tại các điểm trường vùng cao Điện Biên được các kiểm toán viên KTNN Khu vực VII giúp khảo sát và chụp gửi về càng thôi thúc chúng tôi thêm quyết tâm, chuẩn bị thật chu đáo để lên đường.

Trong khoảng một tháng mọi việc chuẩn bị cũng đã khá chu tất. Đó cũng là do từng phần việc được phân công rõ ràng và mọi người đều tham gia rất trách nhiệm. Lãnh đạo và Chủ tịch công đoàn các đơn vị luôn cập nhật thông tin và thảo luận với nhau về kế hoạch, tiến độ của chương trình. Các nguồn đóng góp được huy động từ nhiều nơi: từ đóng góp của đoàn viên công đoàn các đơn vị, sự hỗ trợ của Công đoàn KTNN, từ các cá nhân. Ban đầu, mọi người đặt hi vọng sẽ kêu gọi đóng góp được 30 đến 40 triệu đồng, dự kiến ủng hộ cho một điểm trường. Vậy nhưng, sau một tháng phát động con số đã đạt trên 100 triệu đồng - đó là một sự bất ngờ và vui sướng với tất cả thành viên trong đoàn. Nhờ vậy, đoàn sẽ đến thăm và tặng quà hỗ trợ không chỉ một mà là ba điểm trường và một điểm bản.

Từng chiếc áo, đôi dép làm quà tặng trong chuyến thiện nguyện đều được các anh chị trong đoàn lựa chọn cẩn thận, từ chất liệu cho đến số đo của từng độ tuổi. Trước ngày khởi hành, những món quà được đóng gói và phân loại vào các túi nhỏ. Sau những nỗ lực đó, hơn 700 gói quà đã sẵn sàng để lên đường hỗ trợ cho các em học sinh bước vào một năm học mới và một mùa đông lạnh giá sắp đến.

Tất bật ngược xuôi rồi cũng xong khâu chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày lên đường. Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 9, gần 40 thành viên trong đoàn thiện nguyện chúng tôi đã chuyển những món đồ cuối cùng lên xe và bắt đầu chuyến hành trình đến với Tây Bắc. Dẫu biết hành trình trước mắt khá dài và giao thông không ít khó khăn nhưng mỗi thành viên trong đoàn đều rất náo nức, phấn chấn. Sự phấn chấn như được tăng thêm, khi đoàn thiện nguyện đã nhận được sự quan tâm, tham gia của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị. Cùng với các thành viên BCH và đoàn viên công đoàn các đơn vị, đoàn thiện nguyện còn có sự tham gia của đồng chí Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Tin học, đồng chí Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Giám đốc Trường. Đặc biệt hơn, cùng tham gia hành trình với đoàn còn có đồng chí Trần Kim Lộc - Phó chánh Văn phòng, Trưởng ban Tài chính của KTNN - là người đã rất tích cực tư vấn cũng như đóng góp, chuẩn bị cho chuyến đi.

Tâm trạng phấn chấn như giúp chúng tôi vơi đi những mệt mỏi của hành trình hơn 12 giờ ngồi xe. Những cung đường đèo suốt từ cửa ngõ Tây Bắc như bớt chao đảo hơn và những cánh rừng bạt ngàn, những cánh đồng hoa thoắt ẩn thoắt hiện bên đường như cũng lung linh hơn trong nắng vàng đầu Thu.

Những trải nghiệm quý

Từ thành phố Điện Biên, để đến được xã Phu Luông huyện Điện Biên phải đi chừng 65 cây số đường đèo núi. Phu Luông là một trong hai xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ quét vào đầu tháng 8 vừa qua. Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là Trường tiểu học Phu Luông - mái nhà thứ hai của hơn 270 học sinh là con em các dân tộc trên địa bàn.

Biết đoàn đến, các em đã tập trung đông đủ từ trước. Những đôi mắt thoáng chút tò mò, thơ ngây. Thấy chúng tôi chuyển đồ từ xe vào, các em ùa lại bê giúp. Các em chủ yếu là người dân tộc Thái, rất hồn nhiên và hay cười, vóc dáng nhỏ bé nhưng rắn rỏi. Sự rắn rỏi đó có lẽ phần nào cũng do thường xuyên phải đi bộ, trèo đèo, lội suối. Có những em phải đi bộ 7 đến 8 tiếng mới đến được trường. Do điều kiện đi lại khó khăn, các em lưu trú tại trường và chỉ về nhà vào cuối tuần. Các thầy cô giáo nói đùa với chúng tôi, đây là miền ngược nên nhiều cái ngược. Ở dưới xuôi mọi người xếp hàng để xin cho con đi học, ở đây thì mỗi năm học mới, thầy cô phải đến từng nhà vận động, kiêm luôn việc đón đưa các em trong mùa mưa lũ.

Cuộc sống đơn sơ của học sinh vùng cao Điện Biên
Quà tặng của chúng tôi đến với các em chỉ là những vật dụng thiết yếu như quần áo, dép, sách vở, lương thực... Những thứ đó vốn rất đỗi bình thường với trẻ em thành phố, nhưng mang đến rất nhiều niềm vui cho những đứa trẻ miền sơn cước. Theo chia sẻ của các đồng chí cán bộ xã, ở đây còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, có gia đình dẫu mong muốn cũng không có điều kiện cho con em đến trường. Cái khó ló cái khôn. Với những em có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô và cán bộ thôn xã đi vận động các đơn vị và cá nhân nhận đỡ đầu để các em được đến trường. Có người giúp đỡ thì gia đình mới cho đi học. Mỗi tháng, học phí, sách vở và ăn uống của một em hết khoảng 500 nghìn đồng. Ai có điều kiện thì hỗ trợ cho một đến hai em, không thì vài người chung nhau hỗ trợ cho một em. Để có được hơn 200 học sinh đến trường như hôm nay là cả một câu chuyện dài về sự cố gắng thầm lặng của thầy và trò, của rất nhiều tấm lòng hảo tâm.

Phát biểu với đoàn, đồng chí Cao Văn Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Phu Luông - thay mặt toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường bày tỏ cảm ơn các thành viên trong đoàn và công đoàn các đơn vị đã không quản ngại xa xôi đến tặng quà cho các em học sinh ngay những ngày đầu của năm học mới. Đây là sự động viên quý báu cả về vật chất và tinh thần cho các em bước vào năm học mới. Đây cũng là sự khích lệ rất lớn đối với các thầy cô giáo, với gia đình của các em và các cấp chính quyền.

Rời Phu Luông, chúng tôi di chuyển lên bản Pá Chả. Đây là nơi cũng vừa hứng chịu hậu quả nặng nề của lũ quét.

Đường lên Pá Chả không đi được ô tô, chỉ có thể đi bằng xe máy vì đường hẹp, mặt đường thì xấu. Gặp dịp nắng ráo nên còn lên bản được, chứ nếu trời mưa thì Pá Chả có thể bị cô lập hoàn toàn. Chúng tôi phải nhờ đơn vị bộ đội ở xã chuyển trước chăn, nồi và các vật dụng khác lên trước. Đó là những vật dụng thiết yếu mà chúng tôi gửi gắm rất nhiều tình cảm, hy vọng phần nào sẻ chia những khó khăn sau thiên tai với đồng bào.

Trao quà cho các cháu bé tại bản bản Pá Chả
Tận mắt chứng kiến mới thấy, sự khó khăn ở đây khó có thể tả hết bằng lời. Vậy mà các anh bộ đội nói Pá Chả vẫn thuận lợi hơn nhiều nơi khác. Trẻ em ở Pá Chả nhìn bề ngoài cũng thấy như sạm màu nắng gió. Có lẽ các em cũng như cây cỏ trong rừng, có tính thích nghi rất cao với điều kiện sống ngay từ khi sinh ra. Khí hậu ở vùng cao của Điện Biên một ngày dường như có đủ bốn mùa, nhưng rõ nhất là nắng gắt ban ngày và trở lạnh rất nhanh khi đêm xuống. Vì vậy mà trẻ em ở đây thường rủ nhau ra suối tắm lúc giữa trưa, vì lúc ấy mới không lạnh. Khi đi học, trên đường đến trường các em cũng tranh thủ vào rừng tìm thêm ít củ quả và rau rừng làm thực phẩm. Nhưng dù vất vả là vậy, sự hồn nhiên con trẻ ở các em vẫn còn đó, vẫn háo hức khi có người đến thăm và tiếng cười đùa vẫn vang khắp núi rừng.

Một điểm đến nữa của đoàn là cụm trường mầm non xã Pá Khoang. Đây là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên nên đa số gia đình các học sinh của trường cũng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Nguồn sống chủ yếu của đồng bào ở đây dựa vào ruộng nương. Những sản vật từ rừng tuy cũng có nhưng không đáng kể. Hầu hết các học sinh ở đây là con em dân tộc thiểu số, tiếng phổ thông nói cũng chưa thạo. Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt cho các em 6.000 đồng mỗi người một ngày.

Với điều kiện chung đó, sự trợ giúp dù lớn hay nhỏ từ cộng đồng, từ các nhà hảo tâm với trẻ em ở đây luôn được đón nhận rất trân trọng.

Chị Lăng Trịnh Mai Hương - Trưởng đoàn công tác - sau khi từ Pá Chả về cứ bần thần, trăn trở: “Ôm các em vào lòng mà cứ có cảm giác nghèn nghẹn. Ước gì có thể giúp được các em nhiều hơn nữa...”.

Chia sẻ với đoàn, đồng chí Hà Quang Trung - Giám đốc Sở Tài chính Điện Biên - tâm sự: thời gian qua chúng tôi cũng tiếp đón nhiều đoàn từ thiện, nhưng tôi đánh giá rất cao tình cảm và cách thức tổ chức của đoàn 3 đơn vị sự nghiệp KTNN. Các đồng chí chuẩn bị rất chu đáo. Những món quà đều được tính toán kỹ càng để trao đến đúng đối tượng cần thiết nhất, từ các em học sinh tiểu học, mầm non đến các hộ dân tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Đáng quý hơn, được biết nguồn kinh phí chủ yếu cho chuyến đi này đều do cán bộ, viên chức và người lao động của các đơn vị quyên góp. Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của KTNN nói chung, các đơn vị và của các thành viên trong đoàn đã dành cho tỉnh Điện Biên.

Rời Điện Biên, tự dưng có một câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ thấp thoáng trong đầu tôi trên suốt chặng đường về. Câu nói đại ý thế này: Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.

Sau chuyến đi, chúng tôi lại trở về với bộn bề công việc và cuộc sống thường ngày. Sự bao la khoáng đạt của đất trời Tây Bắc; những mái tóc vàng cháy nắng, ánh mắt trong trẻo, thơ ngây của các em học sinh; sự lạc quan dù bộn bề gian khó, thiếu thốn nhưng vẫn đầy ắp nghĩa tình của những người Điện Biên đã gặp... tất cả những điều đó đã đọng lại trong chúng tôi những kỷ niệm khó quên, những trải nghiệm thật đáng quý.

Như hầu hết mọi người khi đến Điện Biên, đoàn chúng tôi đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang lớn, đi thăm những di tích cách mạng nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt, nơi còn vẹn nguyên dấu tích về ý chí kiên cường, sự hi sinh lớn lao của các thế hệ cha anh để dành độc lập, tự do cho dân tộc. Trải nghiệm đó cho chúng tôi thấy thêm trân quý cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có hôm nay.

Hành trình Tây Bắc chỉ ba ngày, vậy mà nhẩm tính sơ sơ chúng tôi đã đi được hơn nghìn cây số. Một chặng đường có thể làm ngần ngại bất kỳ ai lúc chưa khởi hành, có thể đem đến những cảm giác xa xôi, diệu vợi. Thế nhưng, với chúng tôi mảnh đất Điện Biên với những địa danh rất đặc biệt sau chuyến đi này đã trở nên gần gũi lạ thường.

HOÀNG LONG-THÙY CHI
Cùng chuyên mục
  • Phát triển nhiệt điện than:  Cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sau khi quyết định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phát triển nhiệt điện than được tính đến là một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến môi trường của loại hình sản xuất năng lượng này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
  • Liên kết phát triển du lịch:  Còn nhiều rào cản
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thiếu cơ chế, không có người điều phối, địa phương vẫn đặt nặng lợi ích riêng… Đó là những khó khăn nổi cộm trong vấn đề liên kết phát triển du lịch mà ngành này đang gặp phải.
  • Khai mạc Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI-2017
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng nay (7/9), tại Nhà thi đấu TrịnhHoài Đức, Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Bóng bàn Cúp Hội Nhà báo Việt Namlần thứ XI – năm 2017.
  • Bất cập trong đào tạo sau đại học:  Thừa tiến sĩ “giấy”, thiếu chất lượng
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hàng loạt sai phạm trong công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo sau đại học (ĐH) của Học viện Khoa học xã hội (KHXH) vừa được chỉ ra trong kết luận thanh tra mới đây. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng đào tạo tràn lan, làm giảm chất lượng nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay.
  • Nhiều rào cản phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
    7 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam đã giảm từ 4,3%/năm (1994-2000) xuống còn 3,7%/năm (2001-2007) và 3,1%/năm (2008-2015). Nguyên nhân do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản chưa cao.
Điện Biên không xa xôi