Rau được trồng bằng phương pháp thủy canh ở Đà Lạt thu hút sự quan tâm của người dân và DN. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Cùng với những nguyên nhân trên, phát triển nông nghiệp nước ta còn phải đối mặt với những thách thức lớn, quỹ đất nông nghiệp giảm, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh gay gắt trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đối diện với thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế như: tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, đòn bẩy trong sản xuất. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu vốn. Ngoài ra, trong tổ chức sản xuất, DN chưa tham gia tích cực vào mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ và chuyển giao, ứng dụng. Liên kết giữa nhà khoa học - DN - nông dân còn yếu và thiếu bền vững, số lượng DN trong nông nghiệp còn ít, chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngân hàng cho vay vốn với điều kiện DN hoặc người dân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, các DN, đặc biệt là các hộ dân thường thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tức là trong hồ sơ vay vốn, bên vay mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chứng minh được “đầu ra” của sản phẩm.
Từ những thành công và kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp năng suất cây trồng, vật nuôi tăng 40 - 85% so với năng suất sản xuất truyền thống, qua đó tạo một sản lượng nông sản rất lớn. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hình thức này đòi hỏi phải chú ý công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản, tạo liên kết đồng bộ giữa vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến để góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Hiện tại, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch là 32.339 tỷ đồng, trong đó 86% vay đầu tư làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc và phát triển DN ở lĩnh vực này chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. Tính đến giữa năm 2017, cả nước mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng thành lập tại tỉnh Hậu Giang và Phú Yên; 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận tại Kiên Giang. Đến nay, cả nước mới có 28 DN được Bộ NN&PTNT công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
LÊ HÒA
Theo Tuần Báo số ra ngày 31-8-2017