Diễn đàn nghị viện Hợp tác Pháp ngữ thông qua Tuyên bố Cần Thơ

(BKTO) - Ngày 21/01, Diễn đàn nghị viện Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức thành công tại TP. Cần Thơ, với việc thông qua Tuyên bố Cần Thơ.

Sự kiện do Quốc hội Việt Nam tổ chức nhân dịp đăng cai Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF).

210120250946-z6248927730055_7511bd4b585f24cf36f6ab2743d74a00.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: VPQH

Thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo các nghị viện thành viên APF, các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên, và các vị khách mời đã nhận lời mời và tham dự Diễn đàn do Quốc hội Việt Nam tổ chức nhân dịp đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF tại TP. Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.

Với những thành quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang cùng một số thành viên Pháp ngữ châu Phi, triển khai hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên một cách hiệu quả.

"Hợp tác trong lĩnh vực này cần được thúc đẩy hơn nữa, với sự tham gia của các quốc gia phát triển trong Pháp ngữ. Hợp tác về nông nghiệp sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ là một trong những hoạt động của nghị viện Pháp ngữ sau Hội nghị Thượng đỉnh Paris. Quốc hội Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ. Theo đó, khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.

210120250911-z6248888460354_5ab8d9b186d44c172d3defe0baf9ca9b.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: VPQH

"Chính trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn hôm nay nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh

Diễn đàn hôm nay sẽ là dịp để các đại biểu tham dự thảo luận về các ý tưởng và hành động của các nghị viện thành viên Pháp ngữ nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu; các nghị sĩ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật để phát triển nông nghiệp bền vững vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Tiếp nối những thành công của các hoạt động đa phương liên nghị viện cấp cao do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức gần đây, như: Đại hội đồng Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (năm 2020), Hội nghị lần thứ 10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong APF (năm 2022), Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu của IPU (năm 2023) - việc tổ chức Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ và Hội nghị Ban Chấp hành APF lần này một lần nữa khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm và tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu; sự đoàn kết, đồng hành vì sự phát triển của Cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia thành viên.

Khẳng định vai trò của nghị viện Pháp ngữ trong giải quyết các thách thức toàn cầu

Diễn đàn diễn ra với ba phiên thảo luận chuyên đề: Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững; Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực; Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

210120250312-20250121-2519-1-.jpg
Phiên thảo luận chuyên đề Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: VPQH

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu sẽ đi tham quan thực địa một số điển hình của Đồng bằng sông Cửu Long về mô hình nông nghiệp bền vững và chuyển đổi sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đi đôi với ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một điểm nhấn của Diễn đàn là thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là kết quả quan trọng để khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện Pháp ngữ, đóng góp của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy hợp tác khu vực, liên khu vực và nhiều bên, góp phần biến cam kết thành hành động cụ thể.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nhất trí về tầm quan trọng của ngành nông nghiệp tại các quốc gia thành viên APF và mối liên hệ với các thách thức toàn cầu. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các nghị viện và nghị sĩ trong việc xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác quốc tế đa phương để phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp và những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái, khan hiếm tài nguyên và bất bình đẳng xã hội.

Điều này đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp bền vững, củng cố an ninh lương thực và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu cũng kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương ở mọi cấp độ, từ hợp tác giữa các nghị viện, chính phủ đến các mô hình đối tác Bắc - Nam, Nam - Nam, hợp tác ba bên, bốn bên và quan hệ công-tư; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, đồng thời ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Các đại biểu hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong tổ chức Diễn đàn và khuyến khích các sáng kiến tương tự từ các nghị viện thành viên khác. Diễn đàn đã tạo điều kiện chia sẻ thông tin, để các bên cùng thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác phát triển nhằm góp phần đảm bảo đạt mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu trong quá trình hoạch định chính sách.

Diễn đàn đánh giá cao việc APF ban hành và triển khai Tài liệu hướng dẫn công tác lập pháp về biến đổi khí hậu. Đây được xem là công cụ hữu ích giúp các nghị viện trong không gian Pháp ngữ thực hiện hiệu quả các cam kết trong Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Bên cạnh đó, các đại biểu dự Diễn đàn kêu gọi cộng đồng nghị viện Pháp ngữ đẩy mạnh hành động và thắt chặt quan hệ hợp tác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực. Trọng tâm được đặt vào việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phù hợp với các công ước quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris và các hiệp định liên quan, đồng thời tính đến điều kiện đặc thù của từng quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên.

Cùng chuyên mục
Diễn đàn nghị viện Hợp tác Pháp ngữ thông qua Tuyên bố Cần Thơ