Theo Cục Thể dục thể thao, trong những năm qua, Bộ môn và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đều có đánh giá kết quả đào tạo, huấn luyện dựa trên thành tích thi đấu Giải quốc tế của năm và có dự báo chuyên môn tương lai. Từ thực tế đó, Điền kinh Việt Nam đã tiến hành xây dựng Đề án phát triển điền kinh Việt Nam từ năm 2025 đến 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 với dự trù kinh phí đáp ứng yêu cầu thực hiện các kế hoạch, đề án trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển Thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để triển khai có hiệu quả Chiến lược, Điền kinh Việt Nam cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2035 trong 5 kỳ SEA Games tiếp theo duy trì trong 3 thứ hạng đầu nhưng thường xuyên đứng ở hạng Nhì và hạng Nhất. Từ năm 2035 đến 2045 luôn ở thứ hạng Nhất, Nhì SEA Games.
Tại đấu trường ASIAD 2030, Điền kinh Việt Nam phấn đấu 01 Huy chương vàng (HCV), từ 02 đến 03 Huy chương bạc (HCB), Huy chương đồng (HCĐ); đến năm 2028 có 02 VĐV đạt chuẩn chính thức tham dự Thế vận hội Olympic. Hướng đến ASIAD 2034, Điền kinh Việt Nam phấn đấu giành 02 HCV và từ 03 đến 04 HCB, HCĐ, đứng thứ hạng từ 9 đến 12 toàn đoàn; phấn đấu có 03 đến 04 VĐV đạt chuẩn dự Thế vận hội Olympic 2032.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, trước mắt, được Điền kinh Việt Nam tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện con người tốt nhất nhằm hướng tới các mục tiêu thành tích cao. Trong đó, lực lượng nòng cốt là Đội tuyển quốc gia (khoảng 100 VĐV/năm) và Đội tuyển trẻ quốc gia (khoảng 120 VĐV/năm). Cùng với đó là đội ngũ huấn luyện viên (HLV) đảm bảo được chuyên môn phù hợp.
Để tập trung lực lượng cho Đội tuyển quốc gia và Đội tuyển trẻ quốc gia cùng đội ngũ HLV, hằng năm cần có sự chung tay của các tỉnh, thành, ngành. Việc đầu tư tập trung lực lượng VĐV và HLV cho 3 tuyến của Tỉnh (Năng khiếu, Trẻ và tuyến Tỉnh) có ý nghĩa quan trọng vì đây là nguồn lực cho việc tập trung đội tuyển, đội trẻ và năng khiếu quốc gia.
Các giải pháp của Điền kinh Việt Nam cũng nhấn mạnh vào việc tập trung tập huấn cho các đội tuyển cũng cần được quy hoạch rõ ràng hơn; chú trọng công tác xây dựng cơ sở vật chất trong đó có đường chạy, sân bãi tập luyện Điền kinh ở các Trung tâm Huấn luyện thi đấu quốc gia.
Chủ trương đầu tư thiết bị, khoa học kỹ thuật, y học ứng dụng ở các Trung tâm quốc gia để hỗ trợ công tác tuyển chọn, huấn luyện và tập luyện cho các VĐV cũng được Điền kinh Việt Nam quan tâm, đưa vào hệ thống giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra…/.