
Sức hút mới từ ngành CNVH...
Sau 04 đêm biểu diễn thu hút hàng trăm nghìn khán giả chỉ riêng doanh thu từ bán vé, concert “Anh trai say hi” mang lại nguồn thu trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” được cho là đạt doanh thu hơn 340 tỷ đồng… với số lượng khán giả theo dõi vượt dự đoán. Thậm chí đến nay, sau hơn 1 tuần diễn ra sự kiện, sức “nóng” của các chương trình nghệ thuật thuần Việt này tiếp tục lan tỏa.
Nói như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong, các show “anh trai…” có sức hút không thua kém các chương trình nổi tiếng của Hàn Quốc, như ban nhạc BlackPink biểu diễn trước đó.
“Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai được yêu thích vì lồng ghép được những giá trị truyền thống, văn hóa dân gian. Các nhà nghiên cứu văn hóa cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về tác động của các chương trình này để có những định hướng phát triển phù hợp trong thời gian tới” - Thứ trưởng Phong đánh giá.

Sự thành công của chuỗi concert “Anh trai say hi” hay “Anh trai vượt ngàn chông gai” cho thấy khán giả Việt đang ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi tiền mua vé xem nghệ sĩ trong nước biểu diễn trong những đêm nhạc được chuẩn bị công phu, hoành tráng, chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi thị trường giải trí trong nước đang có những sân khấu ấn tượng để phục vụ khán giả, giá trị nghệ thuật nội địa ngày càng được đề cao.
Qua 9 năm triển khai, ngành CNVH đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, khi đóng góp hơn 4% GDP. Đóng góp này cũng thể hiện rõ trong từng lĩnh vực cụ thể, như năm 2024 tổng doanh thu phim Việt ra rạp ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng; doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, trong đó, doanh thu du lịch văn hóa chiếm khoảng 15%...
Dẫn chứng từ hai show diễn anh trai, PGS,TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, thành công chương trình cho thấy sự sáng tạo không ngừng của người Việt.
“Với những thành công này, Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay để tiếp tục phát triển các ngành CNVH trong thời gian tới và hoàn toàn có thể đạt được kết quả tốt hơn nữa” - bà Phương kỳ vọng.
Hiện nay, CNVH ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.
Trong bối cảnh mới, để tập trung nguồn lực, thực sự biến các ngành CNVH trở nên vững mạnh hơn, các chuyên gia cho rằng cần có sự sàng lọc, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm trong CNVH.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp, tinh gọn, ngành văn hóa cũng cần tập trung một số lĩnh vực trọng tâm để đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư và tạo sự phát triển đột phá trong phát triển CNVH” - PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lưu ý.
Theo PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, CNVH có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo.
Tạo cơ chế thuận lợi, thúc đẩy CNVH phát triển đột phá
Với những tiềm năng sẵn có, việc phát triển các ngành CNVH sẽ mang lại nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo ra các giá trị bền vững, khi phát triển, bảo tồn văn hóa đồng thời mang lại giá trị kinh tế to lớn.
Điều quan trọng, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong là: “Cần phải tạo cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển CNVH. Đó phải là những chính sách có tính dẫn dắt, kiến tạo nhằm tạo ra những động lực mới để các doanh nghiệp cùng làm CNVH”.
Việc phát triển các ngành CNVH ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực…
Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Khẳng định tiềm năng và cơ hội phát triển cho CNVH ở Việt Nam là rất lớn, song TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng, những rào cản đối với CNVH ở Việt Nam còn nhiều; đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng còn dàn trải…
Theo TS. Ngô Phương Lan, nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư có hạn, trong khi nhiều lĩnh vực cần được đầu tư và bản thân cơ quan chức năng cũng chưa chọn được lĩnh vực trọng tâm để đầu tư đến cùng. Ví dụ như nguồn nhân lực, nếu đầu tư cho nhân lực cũng phải là nhân lực đỉnh cao chứ không phải là đầu tư dàn trải.
“Hàn Quốc có công nghệ ngôi sao, người ta đầu tư học tập, ươm mầm tài năng từ bé, xây dựng thần tượng dựa trên bản sắc văn hóa và phẩm chất văn hóa. Đó là bí quyết để họ xây dựng ngành CNVH thành công trên toàn cầu” - TS. Lan chia sẻ; đồng thời cho rằng, để xây dựng được cách làm chuyên nghiệp này, Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trước tiên phải tạo dựng được cơ chế thuận lợi cho ngành văn hóa phát triển.

Đây cũng chính là vấn đề được các ý kiến tập trung trao đổi tại các hội thảo bàn về dự thảo Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiện đang được Bộ VHTTDL xây dựng.
Dẫn chứng từ câu chuyện của Hà Nội, địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về CNVH, các chuyên gia cho rằng, điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị khẳng định Thủ đô tiên phong phát triển CNVH, mà còn tạo ra cơ chế thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư vào văn hóa nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, vừa đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Tuy nhiên, trên bình diện rộng, việc phát triển CNVH không phải ở địa phương nào cũng thuận lợi. Quy định pháp lý liên quan đến việc huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là lĩnh vực được ưu tiên khi sự phát triển văn hóa vẫn gặp phải những rào cản, điểm nghẽn đáng kể cả từ nhận thức xã hội và các quy định pháp lý không theo kịp với hoàn cảnh đang thay đổi.
Điều đáng mừng là các rào cản này cũng đã được đánh giá, phân tích để chỉ rõ từ cấp cao nhất, đến sự thay đổi nhận thức, ý thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.
Trên cơ sở nhận diện rõ những rào cản đối với sự phát triển của ngành CNVH, trong Chỉ thị số 30/CT-TTg ban hành ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành CNVH, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH; xây dựng sản phẩm, dịch vụ đặc trưng; sử dụng các nền tảng số tạo ra sản phẩm CNVH...
Trong đó, các Bộ, ngành chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn tới; ưu tiên các chính sách về: Ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực sáng tạo.
“Bộ VHTTDL chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực CNVH cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa...” - Chỉ thị số 30/CT-TTg nêu rõ.