Điều chỉnh kịp thời, phù hợp các quy định để điều trị toàn diện cho bệnh nhân Covid-19

(BKTO) - Bộ Y tế vừa ban hành và tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 (Hướng dẫn) cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Với việc điều chỉnh, thay đổi nhiều nội dung, bản Hướng dẫn lần này hướng đến lồng ghép các chuyên khoa để điều trị toàn diện cho bệnh nhân Covid-19.



Sống chung an toàn và linh hoạt với Covid-19

Theo PGS,TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng ngành y tế đã đồng lòng, chung sức vượt qua những khó khăn để chống dịch trong làn sóng thứ 4 với biến chủng Delta. Đến nay, kết quả phòng, chống dịch đã đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận cho thấy con đường đi đúng đắn trong phòng, chống dịch.
                
   

Hệ thống khám, chữa bệnh nỗ lực trong công tác điều trị Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế

   

Bên cạnh trụ cột phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm… ngành y tế đã luôn chú trọng cập nhật những kiến thức, thông tin về điều trị, kế thừa học hỏi các kinh nghiệm, nghiên cứu, thành công trong điều trị của thế giới một cách khoa học… để ban hành các phiên bản khác nhau hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19.

PGS,TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, cả hệ thống khám, chữa bệnh đã nỗ lực không ngừng, nhiều thầy thuốc đã xa gia đình, người thân để vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19 hàng tháng trời. Đã có khoảng 20.000 lượt thầy thuốc trên cả nước vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và nhiều tỉnh, thành phố khác của phía Nam để phục vụ chống dịch.

Tuy nhiên, PGS,TS. Lương Ngọc Khuê cũng nêu rõ "chúng ta không thể nào theo đuổi chính sách Zero Covid-19", đặc biệt trong điều kiện của biến chủng Delta hiện nay. Do đó, chúng ta xác định phải sống chung với dịch an toàn và linh hoạt với Covid-19.

"Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế tách đôi để sẵn sàng đối phó, thích ứng với biến chủng Delta. Một bên tập trung khám, chữa bệnh thông thường, một bên là chống dịch Covid-19. Các bệnh viện phải luôn trong tâm thế chủ động chống dịch, tránh để bị động, chuẩn bị sẵn về oxy y tế để tránh đứt gãy công tác khám, chữa bệnh"- PGS,TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Bổ sung thuốc kháng vi rút trong điều trị, giảm số lần xét nghiệm khi xuất viện

Thông tin về Hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản lần thứ 7 vừa được Bộ Y tế ban hành, đại diện Bộ Y tế cho biết, Hướng dẫn này được cập nhật theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, trong đó cập nhật, bổ sung một số điểm tiêu biểu so với hướng dẫn đã được ban hành tháng 7/2021.

Đáng chú ý, trong Hướng dẫn này, Bộ Y tế chính thức bổ sung kháng vi rút, thuốc kháng thể kháng vi rút, thuốc ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới.

Theo đó, đối với thuốc chưa được WHO khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.                
   

Bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi và ra viện. Ảnh: Bộ Y tế

   

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Ngoài những thuốc có trong hướng dẫn và trong quyết định 2626/QĐ-BYT, đối với người có bệnh nền, bệnh mạn tính, tiếp tục điều trị phối hợp với điều trị Covid-19 bằng các thuốc trong danh mục sẵn có của cơ sở thu dung điều trị. Sử dụng thuốc sẵn có trong danh mục của cơ sở để điều trị triệu chứng, xử trí cấp cứu người bệnh (nếu có).

Về công tác quản lý điều trị, TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, đối với bệnh nhân Covid-19 tổn thương gây ra không chỉ là hô hấp mà trên đa cơ quan, do đó Hướng dẫn điều trị lần này đã lồng ghép các chuyên khoa, điều trị toàn diện cho bệnh nhân từ hô hấp, tuần hoàn, lọc máu, ECMO, corticoid, kiểm soát đường huyết, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng. Đồng thời, trên cơ sở của Hướng dẫn, theo thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Y tế, cơ sở thu dung điều trị trích tóm tắt các nội dung phù hợp theo phân tầng để áp dụng cho cơ sở mình một cách phù hợp và linh hoạt.

Một nội dung khác cũng được điều chỉnh thay đổi trong Hướng dẫn là điều kiện xuất viện với bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị được ra viện khi: đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 10 ngày; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ vi rút thấp vào ngày thứ 9.

Trường hợp có triệu chứng lâm sàng, được ra viện khi: đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tối thiểu 14 ngày; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 hoặc nồng độ vi rút thấp vào trước ngày ra viện.

Trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút Ct < 30 được ra viện khi: đã cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 03 ngày trở lên.

Theo Hướng dẫn trước đó, người bệnh Covid-19 phải lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 02 lần liên tiếp. "Như vậy, Hướng dẫn mới đã điều chỉnh giảm số lần xét nghiệm Covid-19 khi xác định điều kiện xuất viện với bệnh nhân Covid-19" - TS. Vương Ánh Dương cho biết.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
  • Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo…
  • Cà Mau mở rộng giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới ra toàn tỉnh
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) – UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính sau 1 năm triển khai mô hình thí điểm “Tiếp nhận, giải quyết TTHC phi địa giới hành chính” đạt nhiều kết quả tích cực.
  • Thí điểm khôi phục các đường bay nội địa từ ngày 10 - 20/10
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong trách nhiệm của mình tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm các đường bay nội địa từ ngày 10/10 tới 20/10/2021; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.
  • Ưu đãi đầu tư đặc biệt cho dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng
    3 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Quyết định này quy định về mức, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.
  • Đầu tư xây dựng dự án dầu khí “vướng” do chính sách còn bất cập
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Với đặc thù vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, nhiều dự án dầu khí không chỉ chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam mà còn phải tuân theo các thông lệ quốc tế khiến việc triển khai đầu tư các dự án dầu khí, nhất là các dự án ở lĩnh vực thượng nguồn như thăm dò khai thác dầu khí, đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật đang có những quy định chồng chéo, bất cập khiến các dự án dầu khí đã khó lại càng thêm khó.
Điều chỉnh kịp thời, phù hợp các quy định để điều trị toàn diện cho bệnh nhân Covid-19