Đầu tư xây dựng dự án dầu khí “vướng” do chính sách còn bất cập

(BKTO) - Với đặc thù vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, nhiều dự án dầu khí không chỉ chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam mà còn phải tuân theo các thông lệ quốc tế khiến việc triển khai đầu tư các dự án dầu khí, nhất là các dự án ở lĩnh vực thượng nguồn như thăm dò khai thác dầu khí, đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật đang có những quy định chồng chéo, bất cập khiến các dự án dầu khí đã khó lại càng thêm khó.



                
   

Giếng khoan Kèn Bầu 2X, Lô 114, bể Sông Hồng,
   thềm lục địa Việt Nam được giàn khoan SAGA thi công. Ảnh: PVN

   

Đặc thù của hoạt động đầu tư các dự án dầu khí

Các dự án dầu khí, thường có quy mô đầu tư lớn, được xếp vào nhóm các dự án quan trọng quốc gia, công nghệ cao và đi kèm với các rủi ro lớn trong triển khai, đặc biệt là các rủi ro về địa chất đối với các dự án thăm dò khai thác dầu khí.

Việc triển khai các dự án dầu khí đang chịu sự chi phối lớn nhất của Luật Dầu khí và nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản dưới luật…

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành dầu khí, đặc biệt là Luật Dầu khí đã không còn phù hợp để ngành dầu khí phát triển mạnh mẽ và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế.

Nêu rõ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí đang phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cũng chỉ ra rằng, cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí hiện nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực cốt lõi này của ngành dầu khí.

Cụ thể, Luật Dầu khí và các điều khoản Hợp đồng dầu khí hiện hành còn bất cập và kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí nên không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Minh chứng rõ nét nhất là Luật Dầu khí dù đã thể hiện khá đầy đủ các giai đoạn, bước thực hiện đối với dự án thăm dò khai thác dầu khí, Hợp đồng dầu khí nhưng lại chưa chỉ rõ các thủ tục đầu tư đầy đủ khi có doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư vào dự án dầu khí.

Chính sự chồng chéo, thiếu quy định này khiến cho việc triển khai các dự án thăm dò khai thác dầu khí đang gặp nhiều khó khăn và nhiều doanh nghiệp nước ngoài nản chí khi có ý định đầu tư vào các dự án này, nhất là khi điều kiện khai thác hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ, ở vùng nước sâu, xa bờ đòi hỏi chi phí lớn.

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hút đầu tư

Trên thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác những năm gần đây gần như “giẫm chân tại chỗ”. Trong giai đoạn 2016-2020, PVN chỉ ký được 8 hợp đồng dầu khí mới, chưa bằng 1/3 so với giai đoạn 2010-2015 (27 hợp đồng dầu khí mới).
                
   

Số lượng hợp đồng dầu khí ký mới trong giai đoạn
   2010-2020 . Ảnh: PVN

   

Các dự án thăm dò khai thác dầu khí trong nước thường được thực hiện bởi tổ hợp các nhà thầu dầu khí quốc tế hoặc nhà đầu tư trong nước cùng góp vốn để triển khai với điều kiện tuân thủ cam kết trong Hợp đồng dầu khí (Hợp đồng chia sản phẩm - PSC) và quy định pháp luật về dầu khí.

Nếu kết quả thăm dò, thẩm lượng xác định được mỏ dầu khí thương mại, các nhà thầu sẽ tiến hành hoạt động khai thác và bán dầu thô hoặc khí ngay tại miệng giếng, theo đó các hoạt động này chỉ tuân thủ quy định trong PSC và Luật Dầu khí.

Tuy nhiên, trong trường hợp các lô/khu vực hợp đồng có khai thác khí và các nhà thầu thực hiện bán khí đến tận hộ tiêu thụ trên bờ (trường hợp này được xem là PSC mở rộng), các nhà thầu sẽ cần đầu tư bổ sung các công trình đường ống để dẫn khí về bờ và các trạm xử lý, tiếp nhận, vận chuyển khí đến các hộ tiêu thụ. Trong khi đó, hoạt động xây dựng các công trình trên bờ hiện nay đang điều chỉnh bởi Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật Xây dựng.
         
Các dự án chế biến dầu khí, nhà máy nhiệt điện (khí, than) thường có quy mô đầu tư rất lớn đến 2 tỷ USD và thời gian xây dựng dài, thường phải huy động vốn từ các nguồn tài chính nước ngoài thông qua bảo lãnh/hỗ trợ của Chính phủ/Bộ Tài chính. Các dự án còn chịu nhiều tác động từ các quy định về an toàn, môi trường, chất lượng sản phẩm; phải sử dụng công nghệ bản quyền từ các tổ chức nước ngoài để phù hợp với yêu cầu chế biến của từng nhà máy/dự án, đảm bảo tương thích với nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào và cơ cấu sản phẩm đầu ra.


Cùng với đó, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định đối với các dự án nhóm A cần phải có chấp thuận của đại diện chủ sở hữu trước khi chủ đầu tư quyết định đầu tư.

Điều này dẫn tới doanh nghiệp sử dụng vốn có nguồn vốn Nhà nước (như Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí) phải trình phê duyệt dự án theo 2 quy trình thủ tục khác nhau làm kéo dài thời gian phê duyệt và nhiều khi không khả thi vì tiến độ và nội dung phê duyệt theo 2 quy trình không giống nhau. Đây chính là khó khăn khiến việc triển khai đầu tư các dự án thăm dò khai thác đang bị chậm trễ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sớm rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý không còn phù hợp và chồng chéo trong bối cảnh mới sẽ tạo động lực quan trọng để các dự án dầu khí triển khai thuận lợi, cũng như tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Đầu tư xây dựng dự án dầu khí “vướng” do chính sách còn bất cập