Định hướng và đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp

(BKTO) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã từng bước đi vào cuộc sống và thực sự trở thành “phao cứu sinh” của nhiều người lao động (NLĐ) trong lúc khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

1(3).jpg
Để chuẩn bị nguồn lực cho Sân bay Quốc tế Long Thành, công tác hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đăng ký học các nghề phục vụ khi sân bay được chú trọng. 

Đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, tháng 5/2025, toàn tỉnh có gần 5,4 nghìn lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó trên 5,2 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 19 nghìn lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng nhiều nhất ở độ tuổi từ 25-40 tuổi, bao gồm cả nam và nữ.

Theo Luật Việc làm, chính sách BHTN hỗ trợ NLĐ được đăng ký BHTN và nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp khi mất việc hay khi chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn, tư vấn miễn phí về lao động, việc làm, được dạy nghề miễn phí, hướng dẫn các thủ tục để hưởng BHTN bởi các trung tâm DVVL; cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế mà không phải đóng phí trong thời gian đang hưởng BHTN; hỗ trợ dạy nghề sơ cấp miễn phí với thời hạn không quá 6 tháng tại các cơ sở dạy nghề.

Mức hưởng trợ BHTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định; hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Căn cứ các quy định hiện hành, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục BHTN và tạo điều kiện tốt nhất để NLĐ được hưởng BHTN, vượt qua khó khăn và sớm có việc làm ổn định. BHXH khu vực XXVIII cũng đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại các doanh nghiệp… để giúp người sử dụng lao động và NLĐ thấy được lợi ích của chính sách BHTN; bảo vệ quyền lợi khi bị mất việc làm, được bù đắp một phần thu nhập, được hỗ trợ học nghề, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được giới thiệu việc làm hoàn toàn miễn phí.

Đào tạo nghề gắn với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp 

Năm 2025, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 75.000 người, trong đó lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 6.000 người, cao đẳng là trên 5.000 người, trung cấp hơn 6.200 người và công nhân kỹ thuật là trên 3.600 người. Để đáp ứng nhu cầu lao động của tỉnh, Trung tâm sẽ mở rộng hợp tác với các địa phương, kết nối lao động cho các doanh nghiệp; khuyến khích người lao động chủ động nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ và khả năng thích ứng với các vị trí việc làm.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động hưởng BHTN. Đây là những lao động đăng ký tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để nhanh chóng tìm kiếm việc làm sau khi thất nghiệp.

Các ngành nghề đào tạo như: May công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô và điện gia dụng, kỹ thuật pha chế đồ uống… NLĐ sau khi học nghề được cấp chứng chỉ nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ngoài ra, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động thất nghiệp tìm được việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch quỹ đất giáo dục nghề nghiệp tại 5 huyện, thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2024, quy mô tuyển sinh được cấp phép là hơn 17.000 lao động bậc trung cấp và cao đẳng trong khi nhu cầu các doanh nghiệp cần hơn 65.000 lao động. Năm 2025, dự kiến nhu cầu sẽ tăng cao hơn.

Đặc biệt, Sân bay Quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động. Để chuẩn bị nguồn lực cho sân bay trong thời gian tới, công tác hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đăng ký học các nghề phục vụ khi sân bay được chú trọng. Đồng thời, tỉnh cũng mời gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, thành lập và xây dựng trường cao đẳng hoặc trung cấp chuyên đào tạo ngành hàng không, hỗ trợ về thủ tục hành chính, giới thiệu địa điểm được quy hoạch.

Cùng chuyên mục
Định hướng và đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp