Định nghĩa về “hạnh phúc”

(BKTO) - Tản mạn trước thềm ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3.




Trái tim tan vỡ...

Tôi là người khá may mắn khi có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều môi trường văn hóa khác nhau và những người dân bản địa. Tôi tin rằng, khi sự trải nghiệm càng nhiều thì đôi mắt nhìn thế giới của chúng ta sẽ càng được mở rộng, cảm xúc sẽ càng được đào sâu, suy nghĩ sẽ càng đa chiều và nhiều màu sắc hơn.

Tôi cũng là người may mắn khi sinh ra trong một thời đại hòa bình, không phải trải qua những ngày tháng tăm tối bởi chiến tranh và đói nghèo - những ngày tháng mà sự sống và miếng cơm là thứ duy nhất đáng để quan tâm, còn “hạnh phúc” chỉ là một từ ghép có trong từ điển Tiếng Việt. Nhưng tôi lớn lên và trưởng thành trong khoảng thời điểm mà xã hội có nhiều sự chuyển mình và thay đổi lớn, thời điểm giao thoa của thế hệ cũ và thế hệ mới. Dù không thiếu thốn về vật chất, nhưng rất nhiều người trong thế hệ trẻ chúng tôi đều đã hoặc đang phải trải qua những cảm giác hoang mang, mệt mỏi, mất phương hướng, bi quan, thậm chí là trầm cảm khi phải lựa chọn và đối diện với cuộc sống.

Nhìn một chút theo góc nhìn khoa học. Thực tế là, khi chúng ta được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của vật chất, chúng ta sẽ dần quan tâm và chú trọng đến đời sống tinh thần. Có nhiều người nghĩ rằng, vấn đề tâm lý không phải là vấn đề đáng được coi trọng, tuy nhiên khoa học đã chứng minh, con người sống và tồn tại được một phần nhờ các giác quan. Sẽ như thế nào nếu như một ngày chúng ta tỉnh giấc mà không còn cảm nhận được bất cứ điều gì xung quanh? Hiện nay chúng ta mới chỉ biết, con người có từ 9 đến 21 giác quan. Những giác quan này có nhiều sắc thái giúp cân bằng cảm xúc và cảm nhận của con người. Ví dụ như chúng ta có giác quan về cảm nhận nỗi đau, giác quan giúp cảm nhận sự quen thuộc... Mỗi giác quan lại sản sinh ra những loại hooc-môn khác nhau tạo ra các cảm giác như vui vẻ, hưng phấn, sợ hãi, stress…

Tôi chắc rằng ai cũng từng nghe đến, thậm chí trải qua cảm giác “trái tim tan vỡ”. Chúng ta cứ nghĩ nó chỉ là một cảm xúc do tâm lý gây nên. Nhưng thực tế khoa học tâm lý đã nghiên cứu và chỉ ra, tâm lý và cơ thể có sự kết nối rất mật thiết với nhau, và “trái tim tan vỡ” hoàn toàn là một hoạt động có thật của cơ thể. Hiện tượng này được gọi là Broken Heart Syndrome. Giải thích ngắn gọn thì hiện tượng này xảy ra khi chúng ta phải trải qua một cơn chấn động về tâm lý với sự đau đớn buồn bã mức độ cao hoặc quá căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra các chất như Adrenaline, Catecholamines... Các chất này sẽ gây ra những cơn đau ngực, khó thở, phù nề ở phổi dẫn đến kiệt sức, đông máu hay đột quỵ - giống hệt triệu chứng của những cơn đau tim điển hình ở các bệnh nhân.

Quay lại chủ đề mà tôi đang muốn nói, vì sao khoa học lại nghiên cứu và phát hiện ra hiện tượng “Trái tim tan vỡ” ? - “Vì đó là nhiệm vụ của họ”. Câu trả lời đó không sai, nhưng tôi tin rằng nó còn do sự gia tăng nhanh chóng của những hành động tiêu cực trong đời sống hiện tại. Nó buộc những người làm khoa học phải tìm hiểu về nó để tìm ra cách giải quyết. Và hành trình chữa lành cho những trái tim tan vỡ cũng gian nan không kém con đường chữa những căn bệnh thế kỉ khác. Khi mà cảm xúc, là thứ rất khó để nắm bắt và định hướng.

Rất nhiều người trẻ trong thế hệ chúng tôi khi được hỏi mong muốn điều gì nhất trong cuộc sống, họ đều trả lời rằng muốn luôn được vui vẻ, hạnh phúc. Và họ cứ mải miết, miệt mài kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình. Hi vọng. Rồi thất vọng. Rồi lại hi vọng, lại thất vọng... Có người tìm thấy rất dễ dàng, có người mãi không thấy. Có người có rồi lại mất, có người bỏ cuộc và buông xuôi. Thế nhưng, nếu hỏi họ định nghĩa hạnh phúc là gì thì ít người trả lời được, và câu trả lời của một người cũng không hề giống nhau khi được hỏi vào nhiều thời điểm khác nhau.

Vậy, thế nào là “hạnh phúc”?

Tôi từng có chuyến công tác đến Ấn Độ, đó là một quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Nhưng nhìn chung, tôi cảm thấy đó là một nơi đầy sự đói nghèo. Đường phố nhem nhuốc xô bồ, người ăn xin và lang thang ở khắp mọi nơi, không khí thì ô nhiễm. Trái ngược hẳn với đó là Nhật Bản. Nhật Bản văn minh, sạch sẽ với những con người tinh tế, cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Tất cả tạo nên một xã hội trật tự, kiên cường và phát triển không ngừng.

Khi nhìn vào những điều đó, chúng ta đều mặc nhiên nghĩ rằng những người dân Nhật Bản sẽ hạnh phúc hơn người dân Ấn Độ rất nhiều. Họ được sống trong môi trường tốt hơn, tỉ lệ phạm tội thấp, vật chất đầy đủ hơn, phúc lợi xã hội hiện đại và nhân văn hơn. Nhưng thực tế thì Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới. Thậm chí ở Nhật, có những ray tàu hay cây cầu nổi tiếng là nơi những người bị trầm cảm, cô đơn, tự kỉ chọn để kết thúc cuộc sống. Cũng ở Nhật Bản là nơi xuất hiện nhiều hội chứng kì lạ lan rộng trong toàn xã hội như hội chứng Hikikomori - hội chứng cách li với xã hội, hội chứng Karoshi - làm việc cho đến chết... Và thường, cái chết luôn là giải pháp với hàng triệu người đang mắc các hội chứng này tại Nhật Bản.

Khi tìm hiểu sâu, những người mắc các căn bệnh tâm lý không chỉ là những người già cô đơn, người thất nghiệp nghèo khó. Mà cả những người có học vị cao, chức vụ tốt và cuộc sống ổn định cũng là những người gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý. Họ mệt mỏi, hối hả và bế tắc về cả thể chất lẫn tinh thần. Còn người dân Ấn Độ, họ đối mặt với cuộc sống đói nghèo có phần lạc quan hơn thực tế. Hàng ngày cầu nguyện và an yên nằm trôi theo bờ sông Hằng khi đến lúc kết thúc kiếp sống.

Nhắc đến hạnh phúc, không thể không nói đến Bhutan- quốc gia được mệnh danh là nơi hạnh phúc nhất thế giới. Con người Bhutan sống chan hòa với thiên nhiên, không khói bụi công nghiệp, tách biệt với những xô bồ bon chen của cuộc sống hiện đại với niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Họ ăn chay và luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Tuy nhiên, ở Bhutan cũng có những góc tối riêng. Vấn nạn bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em vẫn luôn hiện hữu sâu trong từng mái nhà. Theo báo cáo điều tra của Cục Thống kê Quốc gia Bhutan năm 2010, khoảng 70% phụ nữ cho biết họ đã từng bị đánh đập vì không chăm sóc con cái chu đáo, tranh cãi với chồng, từ chối "quan hệ" hoặc nấu ăn dở tệ. Nghiên cứu cũng đưa ra kết luận 4/100 phụ nữ có quan hệ tình dục lần đầu trước năm 15 tuổi, trong đó hơn một nửa là do bị cưỡng ép hoặc bắt buộc.

Vậy nếu để được chọn nơi sống, bạn sẽ chọn ở đâu? Ấn Độ, Nhật Bản hay Bhutan?

Vì trong cuộc sống không có gì là tuyệt đối.

Trong cuốn sách “Hiểu về trái tim” của Thầy Thích Minh Niệm, có rất nhiều đoạn nói về hạnh phúc. Thật sự thì cảm giác hạnh phúc là một cảm giác vốn không bền vững. Vì theo như khoa học đã giải thích, con người chúng ta được tạo nên bởi rất nhiều các giác quan và sự sản sinh hooc-môn tự động. Nên chúng ta không có khả năng chỉ chọn lựa những cảm nhận niềm vui, sự hưng phấn hay tích cực, mà chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những cảm giác đau đớn, tiêu cực. Chính vì vậy mà thế giới bên ngoài cũng sẽ luôn vận động và xoay chiều giữa tốt và xấu. Có thể hôm nay ta cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc, nhưng đến ngày mai một vài việc không như ý xảy ra, chúng ta lại cảm thấy cuộc sống của mình bất hạnh. Có thể bây giờ kiếm được nhiều tiền là hạnh phúc, nhưng khi có được rồi lại thấy cô đơn và nghĩ rằng phải có nhiều ở bên mới là hạnh phúc. Đó không phải là hạnh phúc thực sự.

Không ai được chọn nơi mình sinh ra, cũng không ai chọn được “chiến trường” mà mình sẽ phải chiến đấu, nhưng tâm thế và ý chí là thứ chúng ta phải tự biết trang bị cho mình. Buông xuôi, đổ lỗi và hèn nhát trốn chạy. Hay quả cảm biết chấp nhận thực tế mà cố gắng thay đổi, vươn lên, kiên định và biết hài lòng, trân trọng những gì tốt đẹp mình đang có. Đó là sự lựa chọn của bản thân mỗi người. Và đó mới là cái gốc để tìm ra hạnh phúc.

Không ai có thể nói trước những “trận chiến” sẽ kết thúc vào lúc nào, nên việc tạo ra những bức tường phòng thủ luôn là điều cần thiết. Khi chúng ta xác định tâm lý chấp nhận thực tế, chúng ta sẽ bỏ qua được rất nhiều băn khoăn về quá khứ hay hoàn cảnh vốn không có câu trả lời mà tập trung toàn bộ sức lực cho cuộc chiến sắp tới. Tôi tin rằng, cho đến khi khoa học có thể chế tạo ra các loại thuốc hay hooc-môn có khả năng “tiêu diệt” những cảm xúc tiêu cực khiến bạn muốn kết thúc cuộc sống này, thì việc hành động ngay lập tức để xây dựng những mối quan hệ có thể giúp đỡ mình, suy nghĩ lạc quan với một nguồn năng lực tích cực là con đường duy nhất mà chúng ta phải mạnh mẽ bước lên.
Bài và ảnh: THÙY CHI
(Bài viết có tham khảo tư liệu khoa học từ trang www.psychologytoday.com và các sách về tâm lý học khác)
Cùng chuyên mục
Định nghĩa về “hạnh phúc”