"Đo" hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng qua hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Tái cơ cấu ngân hàng là một trong những giải pháp được các quốc gia áp dụng khi ngân hàng xuất hiện các cuộc khủng hoảng, nợ xấu tăng cao... Để "đo" hiệu quả của quá trình này đối với hoạt động ngân hàng, các KTV cần xác định được tiêu chí đánh giá sát với thông lệ quốc tế và yêu cầu của cơ quan quản lý...



                
   

Ảnh minh họa

   

Tiêu chí đánh giá hiệu quả tái cấu trúc ngân hàng

Hiên nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước chủ yếu tập trung tái cấu trúc theo chuẩn của Basel II. Thực chất của quá trình này là thực hiện một khâu trong tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm sắp xếp, tổ chức lại hệ thống ngân hàng một cách toàn diện cho phù hợp với tình hình hiện tại, đảm bảo cho ngân hàng nâng cao hiệu suất kinh doanh, tăng cạnh tranh. Tái cấu trúc không chỉ dừng lại ở việc cơ cấu lại từng ngân hàng mà phải được tiến hành trên cả hệ thống.

Theo nghiên cứu của Dziobek và Pazarbasioglu (1997), các NHTM tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính hoặc tăng quy mô dịch vụ tài chính, tăng khả năng cạnh tranh. Kết quả nghiên cứu của 24 quốc gia tham gia tái cơ cấu trong những năm 1980 và 1990 cho thấy, hiệu quả tài chính tổng thể của các NHTM được xem xét bởi hai yếu tố: tỷ lệ thanh khoản và tỷ lệ lợi nhuận.

Các tỷ lệ được sử dụng để đánh giá khả năng thanh toán bao gồm tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ vốn trên tài sản. Tỷ suất lợi nhuận bao gồm tỷ lệ chi phí hoạt động trên tài sản, tỷ lệ thu nhập trên tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên tài sản. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm tóm tắt, báo cáo, phân tích và so sánh để xác định các tỷ lệ.

Còn theo nghiên cứu của Rose (1994) dựa trên gần 730 NHTM, tái cơ cấu tài chính được xác định bằng nợ dài hạn trên tổng tài sản, cơ cấu lại tài sản được đo lường bằng cách sử dụng nợ xấu chia cho tổng dư nợ tín dụng và giá trị khoản vay chia cho tổng dư nợ tín dụng. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính được sử dụng trong nghiên cứu là khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA), khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chênh lệch lãi suất ròng (NIM).

Đánh giá hiệu quả tái cấu trúc hoạt động, các tác giả đề xuất chỉ tiêu là: tỷ lệ thu nhập/chi phí và tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng tài sản. Để thực hiện việc đánh giá này, các tác giả sử dụng phương pháp phân tích mô tả và phương pháp OLS.

Tại Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Hồng Sơn, Trịnh Thị Hoa Mai, Trần Thị Thanh Tú (2015) khi phân tích về hiệu quả tái cơ cấu đã quan tâm tới thực trạng trước và sau khi đánh giá hiệu quả tái cơ cấu. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản về hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam trước khi tái cơ cấu bao gồm: Chi phí hoạt động/thu nhập từ lãi, NIM, tăng trưởng dư nợ, tăng trưởng vốn chủ sở hữu, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu, ROA, ROE, vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, tài sản thanh khoản/nợ phải trả ngắn hạn. Đánh giá hiệu quả sau khi tái cơ cấu sẽ dựa trên 2 chỉ tiêu chính là ROA và ROE.

Việc lựa chọn tiêu chí để đánh giá hiệu quả sau tái cấu trúc ngân hàng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận số liệu và các mục tiêu của chủ thể kết quả của quá trình đánh giá.

Xác định các nhóm tiêu chí để đánh giá toàn diện quá trình tái cơ cấu

Điều quan trọng khi tiến hành kiểm toán về hiệu quả của quá trình tái cấu trúc ngân hàng là các KTV cần xác định được các tiêu chí đánh giá sát với thông lệ quốc tế và yêu cầu của các cơ quan quản lý.
         
Một số nhóm tiêu chí mà các KTV cần quan tâm trong kiểm toán tái cơ cấu ngân hàng như:
   Nhóm chỉ tiêu về tình hình tài sản như:Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu.Nhóm các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh:Chi phí hoạt động/thu nhập từ lãi, NIM, ROA, ROE.
   Nhóm chỉ tiêu đánh giá về mức độ rủi ro trong kinh doanh:hsố khả năng bù đắp rủi ro tín dụng, nợ quá hạn không có khả năng thu hồi so với vốn tự có… kết hợp đánh giá về tính kịp thời, hiệu quả của hoạt động quản lý rủi ro.Nhóm chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả xã hội:mức độ gia tăng về thu nhập, chính sách cho người lao động, mức độ đóng góp về thuế thu nhập cho NSNN, sự hài lòng của khách hàng…


Đánh giá hiệu quả của hoạt động tái cơ cấu các nhóm chỉ tiêu, KTV cần đánh trọng số và tính điểm phù hợp gắn liền với mục tiêu kiểm toán. Bên cạnh việc sử dụng các tính toán theo thang điểm có gắn trọng số, các KTV cũng có thể sử dụng các phương pháp hiện đại trong việc đánh giá hiệu quả như phương pháp phân tích bao dữ liệu DEA.

Khi kiểm toán, các KTV cần đánh giá toàn diện cả trước, trong và sau khi quá trình tái cơ cấu hoàn thành. Việc xem xét hiện trạng ngân hàng trước khi tái cơ cấu là rất quan trọng trong đánh giá tính khả thi và phù hợp của các chính sách liên quan. Đồng thời, cần hình thành bộ dữ liệu, thông tin gốc làm căn cứ so sánh với kết quả đạt được và đánh giá hiệu quả sau khi quá trình tái cơ cấu hoàn thành.

Hơn nữa, quá trình tái cơ cấu diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, do đó, KTV cần đánh giá tiến độ, tính khả thi và những kết quả ban đầu của quá trình này. Các KTV, đặc biệt là các KTV nội bộ cần kiểm tra, đánh giá tất cả quy trình, các bước thực hiện trong tái cơ cấu theo lộ trình được phê duyệt và cũng đánh giá tiến độ định kỳ, quan tâm tới các rủi ro để có thể đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Việc đánh giá hiệu quả hoạt động ngân hàng sau tái cơ cấu được các chuyên giá khuyến cáo có thể thực hiện sau 2 - 5 năm khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất để đảm bảo đánh giá toàn diện và có minh chứng rõ nét.

Bên cạnh đó, KTV cần quan tâm tới việc đánh giá hiệu quả, chất lượng và mức độ rủi ro của tài sản mà ngân hàng nắm giữ sau tái cơ cấu.Mức độ rủi ro của các tài sản này được đánh giá dựa theo khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng và có thể được xem xét theo các nhóm ngành tương ứng. Trong nhóm tài sản ngân hàng nắm giữ, tài sản về các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn.

Với các khoản tín dụng sau giai đoạn tái cơ cấu, các KTV cần quan tâm đến: Kỳ hạn thanh toán tại ngân hàng, danh sách các khoản nợ chú ý theo phân loại nợ từ nhóm 1 tới nhóm 5, danh sách các trường hợp khách hàng phá sản, danh sách các khoản vay được cơ cấu lại, kiểm tra hồ sơ khoản vay, tập trung kiểm tra các tài liệu cho vay gốc, xem xét hoạt động của các khoản vay đã chọn...

Từ chất lượng tài sản nắm giữ, các KTV sẽ quan tâm tới việc kiểm tra mức độ phù hợp của các khoản trích lập dự phòng tương ứng. Việc đánh giá mức trích lập dự phòng cần dựa trên các quy định hiện hành và độ tin cậy của các thông tin ngân hàng làm căn cứ của việc lập dự phòng./.

ThS.TRẦN PHƯƠNG THÙY- Khoa Kế toán Kiểm toán, Học viện Ngân hàng

Tài liệu tham khảo
1. Dziobek, C. & Pazarbsioglu, C. (1998). Lessons from systemic bank restructuring; Economic Issues NO. 14, IMF.
2. Rose, P. S. (1994), The rescue of troubled banks; consequences for corporate strategies to deal with financial and operating stress, Journal of Financial and Strategic Decisions. 7(2), 1 – 17
3. Thoraneenitiyan, N., & Avkiran, N. K. (2009). Measuring the impact of restructuring and country-specific factors on the efficiency of post-crisis East Asian banking systems: Integrating DEA with SFA. Socio-Economic Planning Sciences, 43(4), 240-252.
4. CA Sandeep D Welling (2015), Audit of advances & irac norms.
5. Nguyễn Hồng Sơn, Trịnh Thị Hoa Mai, Trần Thị Thanh Tú (2015), Phát triển bền vững hệ thống Ngân hàng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
6. Tô Ngọc Hưng (2020), Tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, Tạp chí Ngân hàng số 9 tháng 1-2/2017.
7. Nguyễn Khương (2017), Tái cấu trúc NHTM theo chuẩn Basel II, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội
Cùng chuyên mục
"Đo" hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng qua hoạt động kiểm toán