Đoàn kết, bình đẳng, hợp tác là chìa khóa mở ra tương lai tốt đẹp cho châu Á

(BKTO) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 diễn ra sáng 20/5 theo hình thức trực tuyến.



                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 - Ảnh: VGP

   

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, châu Á luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng và đa diện đến sự định hình kỷ nguyên mới. Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã vững vàng vượt qua không ít khủng hoảng, suy thoái, thảm họa thiên nhiên; vươn lên trở thành một động lực rất quan trọng của kinh tế toàn cầu. Sự thành công bước đầu của các nước châu Á trong phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế thời gian qua đã chứng minh sự năng động và sức sống mãnh liệt của một khu vực đang vươn lên khẳng định vị thế trong một thế giới có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 được đánh giá là “thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai” đã, đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước.

“Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: “Cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai”.

Với quan điểm phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường, tăng cường củng cố hợp tác quốc tế, lấy con người làm trung tâm, Thủ tướng đề xuất cần tập trung vào 6 nội dung hợp tác:

Thứ nhất, phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao là biện pháp hữu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời là đột phá chiến lược về dài hạn. Với tốc độ phát triển hiện nay, châu Á cần hệ thống hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phát triển kinh tế và kết nối thông suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đến 2030, các quốc gia châu Á đang phát triển cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ USD mỗi năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong huy động vốn và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, khuyến khích các hình thức đối tác công - tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phục hồi hậu COVID của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Các khuôn khổ liên kết kinh tế theo hướng mở, dựa trên luật lệ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế khu vực. Đồng thời, các bên cần thảo luận, tìm ra cách thức vận hành nền kinh tế khu vực phù hợp với điều kiện vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID. Để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ nền kinh tế số đang bùng nổ, chúng ta cần tăng cường hợp tác trong: cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển; xây dựng chính phủ điện tử và hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người dân; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; phối hợp xây dựng các khung khổ về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, quản lý thuế và hệ thống logistics cho hoạt động thương mại điện tử.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch. Chúng ta cần thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong xây dựng mô hình tăng trưởng phát thải bằng 0, kinh tế tuần hoàn, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; nỗ lực thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; hoàn thành đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc và đạt được thoả thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.

Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai. Trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, sản xuất và phân phối vaccine không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia, một DN mà là vấn đề nhân đạo với mục tiêu quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng. Do đó, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời vaccine, đồng thời giảm các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng. Đồng thời, có thể nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này.

Thứ sáu, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch là bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, trước hết, các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với vấn đề này; tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi. Đối với vấn đề Biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật; phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, một châu Á vươn lên vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chính là khát vọng chung các quốc gia trong khu vực. Đoàn kết, bình đẳng giữa các quốc gia; quyết tâm của các chính phủ; sự chung tay, đồng lòng của DN và người dân chính là chìa khoá để mở ra một tương lai tươi đẹp cho châu Á.

“Châu Á có trong tay cơ hội và sức mạnh để định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới và để có thể nói rằng: Tương lai là châu Á, châu Á cùng hướng đến Tương lai” - Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Đoàn kết, bình đẳng, hợp tác là chìa khóa mở ra tương lai tốt đẹp cho châu Á