ThS.Nguyễn Thanh Huệ (đứng) thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly |
Chiều 11/8, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Thách thức và giải pháp đối với đoàn viên thanh niên là kiểm toán viên nhà nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”
Đề tài do ThS. Ngô Đạt Trí (KTNN chuyên ngành Ia) và ThS. Nguyễn Thanh Huệ (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) đồng chủ nhiệm. TS. Lê Đức Luận - Vụ trưởng Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban chủ nhiệm Đề tài, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực kiểm toán cũng không nằm ngoài xu thế đó. CMCN 4.0 không chỉ là công cụ giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao chất lượng, dịch vụ mà còn mở rộng thị trường sang các nước khác nhờ kết nối internet.
Cùng với đó, hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa sẽ giúp công việc kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.KTV Việt Nam có thể thực hiện công việc kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới và các KTV ở quốc gia được chấp nhận hành nghề ở Việt Nam đều thực hiện công việc kiểm toán của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam.
Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt sự phát triển về trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị được kiểm toán cũng như các đơn vị, cơ quan có mối quan hệ hợp tác với KTNN. Trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị bên ngoài càng cao, càng đòi hỏi KTNN phải ngày càng nâng cao trình độ và chất lượng hạ tầng CNTT để theo kịp sự phát triển của xã hội.
Những thách thức chủ quan từ nội tại KTNN xuất phát từ thực tế trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó, đặc biệt là CNTT tại KTNN vẫn còn hạn chế nhất định. Kiến thức, hiểu biết và trình độ về CNTT của các KTV, cán bộ, công chức và người lao động còn chưa đồng đều, chất lượng hạ tầng CNTT trong toàn Ngành nhìn chung vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với một cơ quan kiểm toán tối cao thời đại mới.
Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn lao động, đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Vì vậy, đoàn viên thanh niên KTNN phải chủ động tích lũy các tri thức về CNTT, đề xuất, cập nhật và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động kiểm toán và các hoạt động khác để nâng cao hiệu quả.
Những phân tích trên cho thấy việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu “Thách thức và giải pháp đối với đoàn viên thanh niên là KTV nhà nước trong cuộc CMCN 4.0” là cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Đề tài kết cấu gồm 3 chương: Cơ sở lý luận về cuộc CMCN 4.0 và sự tác động cuộc CMCN 4.0 đến hoạt động của KTNN và đoàn viên thanh niên; Thực trạng đoàn viên thanh niên KTNN và hoạt động kiểm toán trong cuộc CMCN 4.0; Một số giải pháp đối với đoàn viên thanh niên là KTV nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Đức Luận (đứng) kết luận tại buổi |
Đánh giá cao sự sáng tạo và nỗ lực nghiên cứu của Ban Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, xu thế phát triển công nghệ số diễn ra sâu, rộng không chỉ trong phạm vi ở một quốc gia mà toàn cầu cũng như tác động đến tất cả các đối tượng, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực kiểm toán của KTNN không ngoại lệ. Các lợi ích và giá trị kinh tế, xã hội mang lại từ cuộc CMCN 4.0 là rất lớn và khó định lượng.
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo đẩy mạnh công nghệ số trên các lĩnh vực để gia tăng giá trị kinh tế. Hoạt động của KTNN cũng đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ, nhất là các phần mềm ứng dụng trong hoạt động kiểm toán. Do đó, việc lựa chọn nghiên cứu về những thách thức và giải pháp đối với đoàn viên thanh niên là KTV nhà nước trong cuộc CMCN 4.0 là cần thiết và có ý nghĩa đối với thực tiễn hoạt động của Ngành.
Để đề tài được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích rõ hơn những mặt đạt được và hạn chế của đoàn viên thanh niên KTNN trong việc đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với KTV nhà nước trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 để rút ra nguyên nhân của các hạn chế hay thách thức, làm cơ sở đề xuất giải pháp. Các giải pháp nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng KTV, đổi mới chương trình hành động của đoàn viên thanh niên…
Kết luận tại buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Đức Luận đề nghị Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng nghiệm thu.
Trong đó, Đề tài lưu ý phân tích thực trạng (mặt làm được và hạn chế) trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN; bổ sung giải pháp đào tạo nâng cao năng lực về CNTT, khả năng làm chủ CNTT nói chung và các phần mềm nói riêng cho đội ngũ đoàn viên thanh niên KTNN; nhấn mạnh thêm các giải pháp đổi mới chương trình hành động cần thể hiện được vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong việc làm chủ CNTT và ứng dụng vào hoạt động kiểm toán.
Đề tài được xếp loại Khá./.