Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng: Cần quy trình cụ thể với những đặc thù riêng

(BKTO) - Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cần hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng về dấu hiệu để nhận diện hành vi có thể dẫn đến tham nhũng trong từng lĩnh vực, trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán.



Một cuộc kiểm toán điều tra vừa là cuộc kiểm toán chuyên đề vừa mang tính chất của một cuộc kiểm toán tuân thủ. Ảnh tư liệu

Việc xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN). Quy trình này sẽ tạo thuận lợi cho KTNN khi kiểm toán, xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Một số quy định và đặc thù riêng

Chia sẻ tại Tọa đàm “Pháp luật về KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và vấn đề đặt ra” vừa qua, ThS. Huỳnh Hữu Thọ - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII - cho biết: KTNN hiện đang xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Ngành. Bên cạnh quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, KTNN cần hướng dẫn một cách cụ thể về dấu hiệu nhận diện một hành vi có thể dẫn đến tham nhũng trong từng lĩnh vực nhằm tránh nhầm lẫn với các vi phạm khác hoặc bỏ sót sai phạm. Ngoài ra, Quy trình kiểm toán cũng phải quy định thủ tục cần thực hiện khi nghi ngờ có tham nhũng trong quá trình kiểm toán để hạn chế tối đa sự che đậy, cản trở bằng mọi cách của đơn vị hoặc cá nhân có sai phạm.

Để xây dựng Quy trình này, Ban đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” do KTNN thực hiện cho rằng, trước tiên, KTNN cần làm rõ các khái niệm: Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, kiểm toán vụ viêc có dấu hiệu tham nhũng, quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trong đó, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là việc kiểm toán viên nhà nước áp dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp để thu thập các bằng chứng nhằm làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Đối với trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, do đặc thù kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là xác minh làm rõ vụ việc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nên Quy trình kiểm toán không có nội dung “theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán” mà thay vào đó là “chuyển hồ sơ và kiến nghị xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”.

Bên cạnh đó, từng giai đoạn của quy trình kiểm toán cũng có những đặc thù riêng: Ở giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, việc ra quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sẽ theo đề nghị của cơ quan, đại biểu dân cử nếu các cơ quan này phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Còn theo Luật KTNN, trường hợp do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị và các trường hợp còn lại được Tổng Kiểm toán nhà nước chấp thuận thì KTNN ra quyết định kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Khi thực hiện kiểm toán, trường hợp kiểm toán theo đề nghị của cơ quan, đại biểu dân cử thì KTNN phải ra quyết định kiểm toán và thực hiện kiểm toán theo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trường hợp trong quá trình kiểm toán phát hiện dấu hiệu tham nhũng, KTNN không phải ra quyết định kiểm toán mà tiến hành ngay việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng. Trong trường hợp này, KTNN vẫn tiếp tục kiểm toán các nội dung khác theo kế hoạch đã phê duyệt và ban hành báo cáo kiểm toán theo quy định của Luật KTNN.

Đối với giai đoạn lập báo cáo kiểm toán, đoàn kiểm toán phải làm rõ việc có hay không hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng; tổ chức, cá nhân nào đã thực hiện hành vi tham nhũng đó; tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng và kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng.

Khi vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được xác minh, làm rõ thì kết quả kiểm toán vụ việc tham nhũng được xử lý theo hai trường hợp: Nếu vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát nhân dân. Trường hợp sai phạm nhưng không có dấu hiệu tham nhũng thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý sai phạm phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra và KTNN.

Kết hợp phương pháp điều tra hình sự và kiểm toán

Theo nghiên cứu của Ban đề tài, để làm rõ vụ việc tham nhũng, KTNN tiến hành điều tra, xác minh những sai phạm về kinh tế tài chính của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thu chi, điều hành ngân sách nhà nước và sử dụng công quỹ, công sản, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm. Đoàn kiểm toán cần sử dụng phương pháp tổng hợp của khoa học điều tra hình sự kết hợp các phương pháp kiểm toán thông thường.

Như vậy, cuộc kiểm toán điều tra là sự phát triển đến mức độ cao và tập trung của phương pháp điều tra khi tình huống kiểm toán cụ thể yêu cầu, nó có ý nghĩa bao trùm, xuyên suốt thành một cuộc kiểm toán chuyên đề, chứ không phải là sử dụng phương pháp điều tra thông thường trong một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Do đó, một cuộc kiểm toán điều tra vừa là cuộc kiểm toán chuyên đề vừa mang tính chất của một cuộc kiểm toán tuân thủ song vẫn liên quan đến xem xét, đánh giá thực trạng tài chính và hiệu quả hoạt động, hiệu năng quản lý của tổ chức.
Ngoài các phương pháp kiểm toán thông thường, kiểm toán điều tra cần đặc biệt chú ý áp dụng một số phương pháp đặc thù của điều tra hình sự nhằm xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể như: Quan sát; kiểm tra hồ sơ tài liệu lưu trữ; chọn mẫu và nghiên cứu tình huống; phân tích thứ cấp và sưu tầm tài liệu; phỏng vấn; xác minh; thực nghiệm điều tra; sử dụng các phương tiện kỹ thuật đặc biệt hoặc trưng cầu tư vấn, giám định; đối chất./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng: Cần quy trình cụ thể với những đặc thù riêng