Doanh nghiệp FAST500 hướng tới phát triển bền vững

(BKTO) - Trong bối cảnh cần thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để hướng tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050, các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG).

h3.jpg
Khảo sát doanh nghiệp FAST500, tháng 02/2023. Nguồn: Vietnam Report

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tính đến thời điểm hiện tại, có 85,1% doanh nghiệp được khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG.

Cụ thể, 14,8% doanh nghiệp cho biết họ đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG, 37% doanh nghiệp cho biết đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết.

Cùng với đó, có 33,3% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch, trong khi số doanh nghiệp không đặt ra cam kết ESG hoặc không có kế hoạch cụ thể chỉ chiếm 14,8%.

Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề chung của toàn xã hội - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhận định.

Tuy nhiên, với tỷ lệ 1/3 số doanh nghiệp có cam kết ESG thừa nhận mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch, vẫn còn một chặng đường dài từ nhận thức tới hành động thực tế.

Bởi vậy, các chuyên gia của Vietnam Report cho rằng, chặng đường theo đuổi ESG của các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh vẫn đương đầu với khá nhiều trở ngại.

Từ năm 2023, một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam là EU sẽ áp thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia thị trường EU sẽ bắt buộc phải thực hiện, đáp ứng các tiêu chuẩn này. Như vậy, ESG sẽ là giải pháp tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp và là chìa khóa để các doanh nghiệp thành công tại thị trường quốc tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, 83,3% doanh nghiệp thừa nhận chưa có đầy đủ thông tin là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi cam kết và thực hành ESG.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu không nắm bắt đủ dữ liệu và thông tin chi tiết, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định và ưu tiên các vấn đề về ESG, thiết lập các mục tiêu và số liệu có ý nghĩa, đồng thời đo lường và báo cáo tiến độ của doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Đồng thời, ở một chiều hướng khác, thông tin không đầy đủ cũng có thể cản trở khả năng của doanh nghiệp trong việc tương tác với các bên liên quan, xây dựng niềm tin, quản lý các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG.

Do đó, việc được cung cấp và truy cập vào thông tin đáng tin cậy và có liên quan là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để đưa ra các quyết định và hành động ESG sáng suốt.

Ngoài ra, các khó khăn còn lại trên hành trình thực thi ESG được doanh nghiệp đưa ra là: Nhân viên chưa có kiến thức, chuyên môn cần thiết về ESG (58,3%), Đội ngũ lãnh đạo cấp cao cần nâng cao kiến thức về năng lực thực thi ESG (50%), Quy mô công ty (50%) và Khung pháp lý chưa minh bạch, rõ ràng (33,3%).

Khuyến nghị được các chuyên gia nghiên cứu đưa ra đối với cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam là việc lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không đơn thuần xoay quanh việc bổ sung tính năng sản phẩm, cải thiện năng suất, doanh thu hay tái định vị thương hiệu. Mà hơn thế, doanh nghiệp cần thay đổi những vấn đề vĩ mô như: tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích con người (gồm cả nhân viên lẫn khách hàng).

Bởi thực thi ESG sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp FAST500 hướng tới phát triển bền vững