Quang cảnh Hội nghị.Ảnh: VCCI |
Dư địa cải cách thủ tục hành chính vẫn còn rất lớn
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, thời gian qua, Chính phủ đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho DN trong các hoạt động đầu tư xây dựng, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Tuy vậy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan vẫn còn nhiều khó khăn, phiền hà, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau.
“Sự phức tạp về quy trình thủ tục, sự chồng chéo về thẩm quyền tạo ra rủi ro trong quá trìnhxử lý hồ sơ, gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của DN. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý” - ông Phạm Tấn Công nói.
Chia sẻ về vấn đề này, từ phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựngNguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: VCCI |
Đơn cử, riêng trong 10 tháng năm 2021, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; tích hợp, thay thế 5 nghị định, 7 thông tư và 2 nghị định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Ngành, song dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.
“Trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng DN đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cải cách thủ tụchành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho DN. Bởi điều này sẽ giúp DN tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư ở cả khu vực công và tư nhanh chóng đi vào nền kinh tế, qua đó giúp tạo đà để nền kinh tế có thể bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới” - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn là những trở ngại lớn nhất
Theo kết quả nghiên cứu tại “Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường năm 2020” do VCCI thực hiện cho thấy, DN còn gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ DN gặp trở ngại với 2 nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong số các thủ tục được đánh giá.
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, trải nghiệm của các DN FDI đối với các thủ tục đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường nhìn chung tích cực hơn đáng kể so với các DN tư nhân trong nước. Theo đó, tỷ lệ DN tư nhân trong nướcgặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục nàycao hơn DN FDI ở 6/10 nhóm thủ tục được đánh giá.
Ngoài ra, Báo cáo của VCCI cho thấy, các DN trong lĩnh vực xây dựng trải nghiệm rõ nhất sự phức tạp của hệ thống thủ tục hành chính về đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường. Ở tất cả các thủ tục được khảo sát, tỷ lệ DN trong lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn đều cao hơn đáng kể so vớicác nhóm DN ở những ngành nghề khác.
Từ thực tế trên, Báo cáo của VCCI đưa ra khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các nhóm thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, để tạo thuận lợi hơn cho DN trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng một bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường ở cấp tỉnh.
“Việc chỉ rõ ởđịa phương nào các DN đang gặp thuận lợi hay khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm thủ tục này sẽ giúp cho chính quyền các tỉnh có thông tin để lựa chọn các giải pháp cải cách phù hợp. Đánh giá này cũng sẽ giúp cho các DN, nhà đầu tư có thông tin hữu ích để dự liệu cho quá trình thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương; cũng như cung cấp thông tin cho các DN, nhà đầu tư những chỉ báo quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư” - báo cáo của VCCI nêu./.