Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng minh bạch thông tin

(BKTO) - “Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” do Tổ chức Minh bạch quốc tế và Tổ chức hướng tới Minh bạch tại Việt Nam lần đầu tiên thực hiện đã làm sáng tỏ phần nào bức tranh công bố thông tin của DN Việt Nam.



Danh sách 30 DN được lựa chọn để khảo sát, đánh giá dựa trên Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 của Vietnam Report, với chỉ tiêu: 10 công ty niêm yết, 10 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài và 10 DNNN. Sau khi tiến hành khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 01/2017, Tổ chức Minh bạch quốc tế và Tổ chức hướng tới Minh bạch tại Việt Nam đã đúc rút và đưa ra nhiều phát hiện quan trọng xoay quanh 3 nhóm vấn đề, gồm: phòng, chống tham nhũng; minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN; cơ chế báo cáo theo quốc gia.

Vinamilk là DN thực hiện tốt nhất việc công khai thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN Ảnh: TK

Công khai thông tin của DN còn hạn chế

Liên quan đến kết quả đánh giá về chương trình phòng, chống tham nhũng trong DN, Báo cáo nêu rõ: Cargill và Posco Vietnam chính là 2 DN thực hiện tốt nhất việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng với điểm trung bình là 65/100%. Bên cạnh đó, có 7 DN công khai việc cam kết tuân thủ các luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng; 4 lãnh đạo các DN thể hiện sự ủng hộ đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều cam kết mạnh mẽ đã được cụ thể hóa trong bộ quy tắc ứng xử của các DN như: Cargill không đưa hoặc nhận hối lộ, đút lót hay các khoản thanh toán hối lộ khác; Samsung không cho phép tặng quà, nhận quà, chiêu đãi hoặc các hình thức hối lộ nhằm mục đích thực hiện các hành vi kinh doanh không lành mạnh; Vinamilk nghiêm cấm và sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động trả thù nào đối với những nhân viên có thiện ý thông báo về hành vi thực sự hoặc nghi ngờ vi phạm luật pháp… Tuy nhiên, có tới 29/30 DN được khảo sát đã không công khai giám sát thường xuyên việc thực hiện các chương trình phòng, chống tham nhũng trong DN.

Đánh giá về việc thực hiện minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN, bà Phạm Ngọc Linh - Giám đốc Công ty tư vấn quản lý MCG, Trưởng Nhóm khảo sát - cho biết: Vinamilk và FPT là 2 DN thực hiện tốt nhất việc công khai thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN với điểm trung bình đạt 100%, tiếp đến là Sacombank với điểm số đạt 88%. Ngoài ra, có 10 DN khác đã ghi điểm từ 50% trở lên và điểm trung bình của nhóm các công ty niêm yết là 64%. “Không bất ngờ khi các công ty niêm yết thực hiện rất tốt việc công khai thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN” - bà Linh bình luận. Bên cạnh đó, có 14 DN chỉ đạt điểm từ 13% trở xuống, trong đó có 10 DN FDI và 2 DNNN không thực hiện công khai bất kỳ thông tin nào liên quan đến minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu.

Còn với kết quả đánh giá việc thực hiện cơ chế báo cáo theo quốc gia của DN, điểm đáng lưu ý nổi lên là không có DN nào thực hiện công bố các thông tin tài chính cơ bản của DN tại mỗi quốc gia nơi DN hoạt động. Dù cơ chế báo cáo theo quốc gia cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin tài chính toàn diện hơn và giúp họ xử lý các rủi ro về đầu tư một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ: ở Việt Nam, các yêu cầu đối với báo cáo theo từng quốc gia hiện chưa được quy định trong các chuẩn mực kế toán hiện hành. Việc thiếu cơ chế báo cáo theo quốc gia không chỉ là vấn đề với Việt Nam mà với cả các công ty trên toàn cầu.

“Các DN Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch. Tuy nhiên, việc công khai thông tin của các DN vẫn còn hạn chế. Đây là một dấu hiệu cho thấy các DN lớn của Việt Nam vẫn chưa chú trọng đề cao và thực hành tính minh bạch trong 3 vấn đề được đánh giá” - bà Phạm Ngọc Linh nhận xét.

Báo cáo là tài liệu tham chiếu cho DN

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - Giám đốc Tổ chức hướng tới Minh bạch tại Việt Nam - chia sẻ, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN” do Ban thư ký Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện định kỳ, nhằm thúc đẩy thực hành tốt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ các DN truyền đạt tốt hơn cam kết chống tham nhũng và minh bạch tới các bên liên quan.

Đồng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng cho rằng: Báo cáo sẽ tạo kênh cung cấp thông tin mang tính xây dựng để giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, sau khi DN được nhận diện theo tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch.

Đồng thời, ông Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra một số bình luận cá nhân sau khi tiếp cận Báo cáo này: Với những thông điệp rất rõ ràng về công khai, minh bạch, Báo cáo trở thành tài liệu hữu ích cho số đông DN; đối với khu vực tư nhân, việc chống tham nhũng trong bản thân DN rất quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, cũng như giúp DN giảm chi phí. Báo cáo khuyến nghị nên đưa việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư nhân vào Luật Phòng, chống tham nhũng, ông Tuấn bày tỏ quan điểm là không nên để tránh nguy cơ chuyển hướng sang phòng, chống tham nhũng khu vực tư nhân và nguy cơ lạm quyền, sử dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng để tranh tra, kiểm tra, giám sát...

HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục gỡ vướng về thủ tục hành chính hải quan
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hải quan năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, so với các năm trước, TTHC hải quan đã có bước cải thiện đáng kể, từ tiêu chí tiếp cận thông tin đến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Tuy vậy, DN vẫn mong muốn những thủ này sẽ được ngành hải quan quan tâm, cải thiện hơn nữa.
  • Rào cản phát triển nhà ở xã hội
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Pháttriển nhà ở xã hội (NƠXH) được đánh giá là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhucầu của đại đa số người dân, nhất là người dân tại khu vực đô thị và công nhâncác khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển loại hình nhà ở này vẫnđang vướng phải không ít rào cản.
  • Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn của DN châu Âu
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Lần thứ 9 sau 8 năm liên tiếp, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại ViệtNam (EuroCham) vừa công bố Sách trắng về thương mại và đầu tư (Sách trắng 2017).Đây là cuốn sách tổng hợp các ý kiến của các DN thành viên EuroCham, hoạt độngtrong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.
  • DN đánh giá cao nỗ lực cải cách của ngành thuế
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Cuộc khảo sát đánh giá sự hài lòng của DN với cải cách hành chính thuếnăm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngânhàng Thế giới (WB) tiến hành đã cho kết quả, có tới 75% DN hài lòng với nhữngnỗ lực cải cách của ngành thuế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điểm xấu của ngànhthuế khiến DN chưa hài lòng.
  • Nâng cao giá trị gia tăng để xuất khẩu tăng trưởng bền vững
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức ngày 20/4 vừa qua, các diễn giả, DN đã tập trung trao đổi, thảo luận về những biện pháp đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường nhằm phát huy năng lực xuất khẩu của DN, cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thương trường thế giới.
Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng minh bạch thông tin