Hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động xuất, nhập khẩu Ảnh: TK
DN vẫn phải chịu chi phí không chính thức
Dựa trên việc lấy mẫu ngẫu nhiên hơn 3.500 DN, VCCI đã nhận được phản hồi từ 1.035 DN thuộc 3 thành phần kinh tế, bao gồm: khu vực dân doanh (60,2%); DN FDI (31,4%) và các DNNN (8,4%). Kết quả cho thấy, 97% DN được khảo sát đánh giá tích cực về các phương thức tiếp cận thông tin TTHC hải quan; 93% DN ghi nhận chính sách, pháp luật hải quan có chuyển biến tích cực. Các cục, chi cục hải quan địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động xuất - nhập khẩu. Phần đông DN cho rằng thực hiện những TTHC không quá khó.
Tuy nhiên, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, những khó khăn đối với DN trong thực hiện thủ tục hải quan vẫn còn nhiều, đặc biệt là việc các DN vẫn phải bỏ tiền cho những khoản chi phí không chính thức (chi phí ngoài quy định). Nếu không trả phí “bôi trơn” thì DN sẽ phải mất nhiều thời gian hơn trong thực hiện các thủ tục hải quan, thậm chí có khi còn bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định pháp luật. Kết quả khảo sát chỉ ra, 31% DN phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện TTHC hải quan, tăng hơn so với năm 2015 (28%). Trong khi đó, nhóm DN không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1%.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù tỷ lệ DN bị phân biệt đối xử đã giảm mạnh từ 31% (2015) xuống còn 17% (2016) nhưng đây vẫn là “điểm nghẽn” của DN khi thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, DN còn phàn nàn việc gặp rắc rối trong thủ tục kiểm tra sau thông quan. Cụ thể, 38% DN được VCCI hỏi cho biết, nội dung hải quan kiểm tra chồng chéo, trùng lặp; thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo; 35% DN phải trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra. Ngoài ra, khi gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia, có khoảng 83% DN nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ.
Vướng thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Nhiều bất cập trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được các DN chỉ ra trong kết quả khảo sát năm 2016 của VCCI. Đó là, 93% DN cho biết các quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên DN rất khó nắm bắ́t thông tin và tuân thủ; 89% DN cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% DN nhận thấy việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhịp nhàng. Đáng lưu ý, 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra theo quy định quá dài; 72% DN cho biết việc chia sẻ kết quả giữa các cơ quan là chưa tốt khiến DN lại mất thêm thời gian chờ đợi; 68% DN phản ánh thời gian kiểm tra bị kéo dài so với quy định.
Nêu thêm những bất cập trong kiểm tra chuyên ngành, Tổng Thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (TP. Hải Phòng) Đặng Thế Lưỡng nhận định: Việc kiểm hóa, thủ tục cấp phép như kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, vệ sinh thực phẩm còn nhiêu khê, thời gian kéo dài, tăng thêm các chi phí lưu container, lưu bãi, lưu kho, làm ảnh hưởng đến tiến độ thông quan hàng hóa cũng như kế hoạch sản xuất của DN. Mặc dù thủ tục khai báo điện tử đã được áp dụng nhưng do quá tải nên cũng không đáp ứng được yêu cầu về thời gian và chất lượng chuyên môn, DN muốn làm nhanh lại phải thêm các chi phí “bôi trơn”. Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội DN logistics cũng dẫn chứng, có những mặt hàng như sắt thép nhập về thường xuyên nhưng lần nào cũng cắt đoạn đi kiểm tra hay hoa quả nhập từ nước ngoài lần nào cũng phải lấy mẫu đi thử, gây nhiều khó khăn cho DN.
Trước thực trạng trên, nhiều DN kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hải quan với các cơ quan quản lý chuyên ngành; đồng thời, cơ quan Hải quan phải rà soát, chấn chỉnh, không để cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn kém nhưng lại quan cách, cửa quyền, chưa coi DN là đối tác, khách hàng khi giao dịch.
Ghi nhận kết quả khảo sát và những kiến nghị từ DN, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cam kết, ngành hải quan sẽ cố gắng khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện các TTHC. Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp lý theo hướng minh bạch, không chồng chéo, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DN.
LÊ HÒA