Doanh nghiệp Việt nỗ lực vươn mình ra “biển lớn”

(BKTO) - Sau hơn 35 năm hội nhập và phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực, mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp (DN), dự án đầu tư ra nước ngoài. Sự thành công của nhiều DN trên hành trình vươn ra “biển lớn” đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế.

11.jpg
Thăm dò, khai thác dầu khí là một trong những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của DN Việt. Ảnh: ST

“Lợi ích kép” cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước đầu tư ra nước ngoài, nhờ đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, Việt Nam có 124 dự án đầu tư ra nước ngoài tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 282,68 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt cũng rất đa dạng, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bán buôn, bán lẻ, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, bất động sản… Đồng thời, DN Việt cũng đầu tư đa dạng vào các thị trường khác nhau trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, New Zealand, Australia, Venezuela, Campuchia, Singapore, Malaysia, Myanmar, Lào…

Bình luận về xu hướng này, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng, việc DN Việt đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và bản thân DN. Trước hết, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp DN mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của DN, giúp phân tán rủi ro. Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư kinh doanh ở “xứ người”, DN Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại, học hỏi được kinh nghiệm tốt trong quản lý, kinh doanh của những nước tiên tiến… từ đó có thể áp dụng những thành công ở nước ngoài vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty mẹ ở trong nước. Đặc biệt, việc đầu tư ra nước ngoài thể hiện sự lớn mạnh của DN Việt, đó là cơ hội để các DN tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao tính cạnh tranh của DN Việt Nam.

Trên bình diện vĩ mô, theo các chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, giúp ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo cán cân thanh toán quốc gia. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như đóng góp vào việc củng cố, phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước trên thế giới.

Nhận diện khó khăn, rủi ro để vượt qua

Các chuyên gia đánh giá, trong quá trình đầu tư ra nước ngoài, các DN Việt Nam có nhiều thuận lợi nhờ quan hệ ngoại giao hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước, sự ủng hộ của chính quyền nước sở tại… nên hoạt động đầu tư đã thu được nhiều kết quả khả quan, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cộng đồng tiếp nhận đầu tư, cũng như đóng góp trở lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN Việt khi đầu tư ra nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, do khác biệt về văn hóa pháp luật, môi trường đầu tư nên nhiều DN đã gặp phải không ít rủi ro, tranh chấp ngoài mong muốn, cũng như khả năng chủ động ứng phó còn hạn chế. Mặt khác, sự chênh lệch về trình độ, kỹ năng của lao động tại nước sở tại và nguồn nhân lực được phái cử sang các nước của DN Việt Nam cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khả năng dự báo thị trường quốc tế, năng lực quản lý, năng lực tài chính của DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài không đạt được hiệu quả kinh doanh phải dừng triển khai hoặc giải thể. Ngoài ra, một nhược điểm cố hữu của DN Việt Nam là hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh trên cùng một địa bàn, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động đầu tư chung của các DN…

Trước thực tế đó, đưa khuyến nghị cho các DN để hoạt động đầu tư ra nước ngoài đạt được hiệu quả, theo các chuyên gia, trước hết, DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường ở các khía cạnh như: Cơ chế đầu tư, tiềm năng thị trường, triển vọng lợi nhuận… trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Song song với đó, cần chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu sâu về pháp luật quốc tế, pháp luật nước sở tại để phòng ngừa những tranh chấp phát sinh, cũng như nâng cao khả năng tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, DN cần tăng cường hợp tác chặt chẽ với chính quyền sở tại cũng như các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc trao đổi thông tin, nhằm đề xuất hướng xử lý kịp thời, hiệu quả các nhu cầu cũng như những vấn đề vướng mắc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư tại nước ngoài.

Cùng với sự nỗ lực cố gắng của DN, với vai trò đồng hành, hỗ trợ DN, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN; cũng như tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và cấp phép đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam trong quá trình đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ cần tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đối với các nước có nhiều hoạt động đầu tư của DN Việt Nam hoặc đối tác tiềm năng, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn, hiệu quả.

Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư; tư vấn, cung cấp thông tin hữu ích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các DN. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài; cũng như kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn của DN khi đầu tư ra nước ngoài./.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/02/2024, Việt Nam đã có 1.716 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt gần 22,12 tỷ USD.

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp Việt nỗ lực vươn mình ra “biển lớn”