Doanh nghiệp vượt thách thức để phát triển trong kỷ nguyên mới

(BKTO) - Trước bối cảnh thế giới nhiều biến động, doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà cần chủ động chuyển mình, tận dụng thời cơ để phát triển bền vững.

Trước những biến động của tình hình thế giới, cộng đồng doanh nghiệp được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình hoạt động, đổi mới khoa học công nghệ chuyển đổi số để cùng đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hoà Bình.

Chuẩn bị nội lực: Bài toán sống còn

le-viet-hai.jpg
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hoà Bình

- Ông có đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản trong nước từ đầu năm đến nay?

Ông Lê Viết Hải: Thị trường bất động sản cũng như ngành xây dựng trong năm 2025 đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân và phân bổ, thúc đẩy các gói đầu tư công. Đây là tín hiệu tốt dành cho ngành xây dựng.

Tuy vậy, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và giá nguyên vật liệu có thể tăng cao, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng.

Trong giai đoạn có nhiều thay đổi như hiện nay, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nội lực và nguồn lực cả về con người và tài chính để đáp ứng được nhu cầu xây dựng hạ tầng sau khi Việt Nam hoàn thành sáp nhập tỉnh, thành và các đơn vị hành chính. Nếu vượt qua được giai đoạn này, đây sẽ là cú hích tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp trong thời kỳ vươn mình mạnh mẽ của dân tộc.

Cơ hội bứt phá từ thách thức

- Quá trình sáp nhập tỉnh, thành có thể tạo ra cơ hội và thách thức như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Quá trình sáp nhập các tỉnh, thành là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Trong quá trình kiện toàn này, cũng sẽ có nhiều thách thức và cơ hội đối với những doanh nghiệp.

Thách thức lớn nhất là làm sao để quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi, ít tốn kém và không gây xáo trộn đối với đời sống, kinh doanh của người dân. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, các dự án trong giai đoạn “quá độ” chưa hoàn thành, có thể gặp một số vấn đề với thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng và phê duyệt quy hoạch. Điều này có thể tác động đến tiến độ dự án tùy quy mô.

Nhà nước đã có những hướng dẫn với các doanh nghiệp để giảm thiểu tác động trong quá trình thi công dự án. Doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng tìm thấy cơ hội trong khó khăn và thử thách. Việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ giúp hình thành những đô thị lớn hơn, nhu cầu cơ sở hạ tầng, cảnh quan sẽ tăng cao, kéo theo nhu cầu về xây dựng.

Đây chắc chắn là cơ hội cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Những doanh nghiệp như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình sẽ chủ động nắm bắt thông tin về các thay đổi liên quan đến chủ trương và chính sách, từ đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng của đất nước.

Giữ gìn hệ giá trị cốt lõi

- Trước sự diễn biến của tình hình thế giới cùng những điều chỉnh trong chính sách của Đảng, Nhà nước, theo ông đâu là giá trị cốt lõi nào sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững?

Ông Lê Viết Hải: Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững cần xây dựng và giữ gìn hệ giá trị cốt lõi vững chắc. Hệ giá trị đó được xây dựng trên ba trụ cột nền tảng: “Cái đúng - cái chân lý - và hướng về cái tốt đẹp”. Cái đúng là minh bạch, là tuân thủ pháp luật, là đạo đức kinh doanh. Cái chân lý là sự kiên định với tầm nhìn và sứ mệnh mình đặt ra. Cái tốt đẹp là nỗ lực không ngừng để tạo ra những công trình với giá trị có ích, có tính nhân văn cho cộng đồng và quốc gia, nhân loại.

Tuy nhiên, những khái niệm như chân - thiện - mỹ nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết thì vẫn còn khá trừu tượng, mơ hồ rất khó để nắm bắt. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cụ thể hóa thành hệ thống giá trị, hành vi và đặc điểm tính cách cụ thể, đó chính là văn hoá doanh nghiệp.

Mỗi thành viên trong tổ chức cần hiểu rõ, chúng ta đang tin vào điều gì? Làm việc vì điều gì? Và phải cư xử ra sao trong từng trường hợp. Cần xem việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp là một quá trình phấn đấu, rèn luyện và tu dưỡng liên tục.

Đây chính là di sản mang tính kế thừa, giúp doanh nghiệp giữ được giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh của mình, là kim chỉ nam cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn với diễn biến khó lường của thị trường.

Phát triển “xanh” không chỉ là xu hướng

- Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Chính phủ, từ đó hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?. Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cần làm gì để đồng hành cùng Chính phủ nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Trách nhiệm bảo vệ môi trường không phải của riêng bất cứ cá nhân, tập thể nào. Đây là trọng trách và nhận thức chung mà tất cả các doanh nghiệp, mọi cá thể, toàn nhân loại cần phải đạt được và nhất là những doanh nghiệp xây dựng, ngành nghề gây lo ngại về vấn đề ô nhiễm nhất.

doanh-nghiep.jpg
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng phát triển sang doanh nghiệp xanh 

Theo tôi vấn đề này cũng chính là đạo đức doanh nghiệp, nếu không bảo tồn hệ sinh thái thì chính thế hệ tương lai sẽ chịu hậu quả nặng nề. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần song hành với việc bảo tồn, giữ gìn môi trường sống. Các dự án bắt buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật về hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp phải điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch.

Việc doanh nghiệp bảo vệ môi trường cũng chính là hành động góp phần kiến thiết đất nước, tạo ra những công trình chất lượng cao cho xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng phát triển sang doanh nghiệp xanh.

Các cấp chính quyền, địa phương đã phối hợp nhằm định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, áp dụng các công nghệ sạch, hiện đại; đồng thời, nâng cao nhận, ý thức và trách nhiệm của cán bộ công nhân viên.

Định hướng doanh nghiệp phát triển “xanh” chính là hướng tới phát triển bền vững và dài hạn. Trong thời kỳ hiện nay, doanh nghiệp hướng tới lợi ích chung cũng là đang bảo vệ giá trị cốt lõi của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp vượt thách thức để phát triển trong kỷ nguyên mới