Độc lập dân tộc gắn chặt với ấm no, hạnh phúc của Nhân dân

(BKTO) - Lịch sử hơn 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam và 79 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chứng minh rất sinh động, phong phú: Độc lập dân tộc luôn gắn chặt với ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam.

3(6).jpg
Cờ đỏ tung bay trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh tư liệu

Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam luôn xác định rõ ý nghĩa to lớn của độc lập dân tộc. Trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, đánh đổ đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng, là tất yếu lịch sử của cách mạng Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định: “Dù thực dân Pháp hung ác, xảo quyệt đến đâu cũng không thể ngăn cản được chúng ta tiến lên. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi, nước Việt Nam nhất định sẽ được độc lập, đó là dòng thác lịch sử không gì ngăn nổi”.

Để có thể giành được độc lập dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cả dân tộc đoàn kết một lòng, chớp thời cơ cách mạng, với ý chí quyết tâm dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Và chúng ta đã làm nên sự kiện long trời lở đất: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập”. Nhưng cùng với giành được độc lập thì quan trọng là phải giữ vững cho được độc lập. Ngay khi vừa mới có độc lập, cả dân tộc Việt Nam lại quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải nhằm giữ vững quyền tự do, độc lập của mình, bởi âm mưu xâm lược trở lại nước ta của thực dân Pháp. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, trở thành khẩu hiệu hành động của Nhân dân cả nước. Ý chí quyết tâm đó, sức mạnh đó đã giúp cho cách mạng Việt Nam giữ vững được độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và Nhân dân.

Độc lập dân tộc luôn gắn liền với cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân chỉ biết được rõ giá trị của độc lập, tự do khi mà nhân dân được ăn no, mặc đủ; nếu nước được độc lập tự do mà Nhân dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, Nhà nước phải luôn chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Người chỉ rõ: Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế, văn hóa lạc hậu của đất nước thành nền kinh tế, văn hóa tiên tiến; đồng thời, Đảng cũng phải quan tâm đến đời sống hằng ngày của Nhân dân từ những việc nhỏ, cần thiết như tương cà mắm muối. Trong suốt quá trình kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như hòa bình xây dựng đất nước, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân được thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách, việc làm thực tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thực tế cũng cho thấy việc chăm lo chu đáo ấm no, hạnh phúc của Nhân dân chính là yếu tố quan trọng tăng cường củng cố và phát huy sức mạnh của Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định mọi việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho Nhân dân, nếu mà không nhằm mục đích ấy là không đúng. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đội ngũ cán bộ của Đảng, của chính quyền đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện.

Tư tưởng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh được quán triệt, triển khai tích cực, hiệu quả trong thời kỳ đổi mới đất nước. Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân được coi trọng, tiến hành đồng bộ, thành công trong thực tế. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang thực hiện đúng Nghị quyết mà Đảng xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chính nhờ vậy, chúng ta vừa bảo vệ được vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, vừa phát triển tốt kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, để đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; trong đó đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Bài học thành công mà chúng ta rút ra từ thực tiễn là: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân và phải luôn lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; phải thường xuyên thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, phải dựa vào Nhân dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng và không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tình hình cách mạng hiện nay đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý Đảng và lòng dân… tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”./.

Cùng chuyên mục
  • Bài học từ Cách mạng Tháng Tám: Sức mạnh của ý Đảng hợp lòng dân
    2 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự kiện lịch sử to lớn, được dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế khẳng định, đánh giá cao.
  • Quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
    2 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Trong thực hiện dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở, mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ công dân luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chú trọng quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định cần phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội và mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Nội dung này cũng được thể hiện trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023). Theo quy định của Luật, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ công dân có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ, hữu cơ không thể tách rời.
  • Tập huấn kỹ năng viết và biên tập tin, bài về công tác xây dựng Đảng
    2 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Chiều 17/7, tại Hà Nội, Ban Biên tập Trang tin và Bản tin Thông tin sinh hoạt Chi bộ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng viết và biên tập tin, bài về công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
  • Phải nghiêm để tránh lệch lạc trong thi đua yêu nước
    4 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh, cần phải thực hiện nghiêm các quy định, kỷ luật để phòng, tránh những sai sót, lệch lạc có thể xảy ra.
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”
    5 tháng trước Công tác xây dựng Đảng
    (BKTO) - Đạo đức cách mạng là một trong những vấn đề có tính cốt tử của Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn coi trọng ý nghĩa, sức mạnh to lớn của đạo đức cách mạng. Trong bài “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập số 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang”.
Độc lập dân tộc gắn chặt với ấm no, hạnh phúc của Nhân dân