Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở người cách mạng phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân, lãnh đạo được cách mạng. Vì vậy, rèn luyện đạo đức cách mạng là hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và hiệu quả trong suốt hơn 94 năm qua. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên xuống cấp nghiêm trọng, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến vấn đề củng cố, xây dựng, phát huy đạo đức trong Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng” và “cái gốc” cho việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo cách mạng.
Nội hàm, những yếu tố cần thiết, những biểu hiện của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể. Trong bài “Người cán bộ cách mạng” đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 03/3/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Vào năm 1958, Người nêu rõ: Đạo đức cách mạng của người đảng viên là cho dù bất kỳ khó khăn đến mức nào thì cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng nhân dân. Người yêu cầu mọi đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân với tinh thần “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Phê bình và tự phê bình”; trong đó, Người đưa ra nhận định: Đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng là trung thành thẳng thắn với Đảng, với nhân dân và trái lại, nếu giấu giếm sai lầm tức là dối trá với Đảng, với nhân dân, là trái với đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng là một biểu hiện sinh động của đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Chỉ thị của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo. Chỉ thị nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, phải luôn dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; đồng thời có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát với thực tiễn, thật sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định xây dựng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết, nhưng không phải là việc dễ dàng, mà rất khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì, làm thực chất. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức và chỉ rõ đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, phải do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Theo Người, tuy năng lực và công việc, vị trí công tác của mỗi người khác nhau, nhưng những ai giữ được đạo đức cách mạng thì đều là người cao thượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở cần phải chống những căn bệnh xấu, chống kẻ địch phá hoại. Người chỉ ra: “...tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” và: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng”. Nghị quyết số 35/NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII xác định rõ, cán bộ, đảng viên phải cùng toàn Đảng tham gia thực hiện một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, là: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cũng chủ động nhắc nhở, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên trong xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cần phải kiên trì, thường xuyên “như rửa mặt hằng ngày”, trong mọi lúc, mọi nơi, mọi công việc. Gần đây, Đảng ta có những quy định cụ thể, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu vừa xây dựng, rèn luyện, nâng cao đạo đức của cá nhân mình, vừa làm gương, hướng dẫn, tạo thuận lợi để gia đình, người thân, cán bộ, đảng viên trong cơ quan, cấp dưới cùng làm tốt việc xây dựng, giữ gìn, nâng cao đạo đức cách mạng.
Tình hình nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới hiện nay yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải không ngừng tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch vững mạnh, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu nhiệm vụ đó, chúng ta phải tiến hành đồng bộ, tích cực các giải pháp tổng hợp. Các tổ chức Đảng phải hết sức chú trọng, quan tâm; quần chúng nhân dân đồng tình, tin tưởng, giúp đỡ và quan trọng nhất là từng cán bộ, đảng viên phải tự giác, gương mẫu xây dựng, rèn luyện, giữ vững và phát huy đạo đức cách mạng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; đồng thời, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có được đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín sẽ thiết thực góp phần giúp chúng ta vững bước đi lên theo Đảng, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”.
Trách nhiệm, tình cảm với Đảng, với nhân dân, đất nước đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt nhất Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng: “Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, đồng thời mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”./.