Dốc sức, đồng lòng phục hồi nền kinh tế

(BKTO) - Đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, giờ là lúc “các Bộ, ngành phải xắn tay áo vào làm, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho DN”. Đó là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN vừa qua. Hưởng ứng lời hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành đã và đang dốc sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để phục hồi nền kinh tế.




Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Điều doanh nghiệp mong mỏi

Kết quả khảo sát gần 130.000 DN trong tháng 4 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, gần 58% DN giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm, 56,9% DN không xuất khẩu được hàng hóa, doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm giảm mạnh (khoảng 70%) so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN là thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động. Trên 45% DN đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến gần 30% DN áp dụng giải pháp cắt giảm lao động, trên 21% DN cho lao động nghỉ không lương và gần 19% DN giảm lương lao động.

Bên cạnh đó, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát nhưng thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của DN là Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách cũng như tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho hay, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ miễn giảm các sắc thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế trong 6 - 12 tháng và có giải pháp nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho DN. Điều mong muốn của cộng đồng DN lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì DN sống, chậm một ngày DN có thể sẽ không còn. Lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh và đặc biệt khẳng định: “Biết Nhà nước khó khăn, DN không xin tiền mà chỉ xin cơ chế”.

Nhận định khó khăn lớn nhất đối với DN Việt Nam thời điểm này vẫn là thị trường tiêu thụ, ông Lộc đề nghị phát động tháng cao điểm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho các DN. Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân kiến nghị: Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các DN trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; cân nhắc giảm tỷ lệ vốn đối ứng từ 30 - 40% xuống còn 15 - 20%, giãn thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2020, miễn trừ thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ, siêu nhỏ và miễn toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN và cũng là để khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Bộ đề xuất một loạt giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế.

Trong vai trò điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho DN và người dân; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai, nộp, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử…

Cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi; chủ động cân đối vốn; đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tạo thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Để khơi thông và phát triển thị trường, Bộ Công Thương chủ động phối hợp các Bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN rà soát, đánh giá thực trạng cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ, chính sách; tiếp tục khai thác lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do để hoàn thiện khung khổ hợp tác với các đối tác khu vực và thế giới; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ DN xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước…

Với một loạt giải pháp đã, đang và sẽ triển khai, các Bộ, ngành đã thể hiện tâm thế sẵn sàng dốc sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để vực dậy nền kinh tế.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Dốc sức, đồng lòng phục hồi nền kinh tế