Đối mặt với suy thoái, châu Âu tìm cách giảm thiệt hại do Covid-19

(BKTO)- Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại Covid-19 có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ như những gì từng xảy ra hồi năm 2008. Tại Berlin, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo Covid-19 có thể lây nhiễm cho 2/3 dân số Đức. Tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tung ra gói cứu trợ gần 40 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đứng vững trước cú sốc nặng nề... Các nhà lãnh đạo châu Âu đang vạch ra một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn những thiệt hại dài hạn do dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 đã nhất trí cung cấp một đợt tín dụng giá rẻ mới cho các ngân hàng thương mại, còn được biết đến là nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn (LTRO) "nhằm hỗ trợ lập tức cho hệ thống tài chính của Eurozone”.

ECB cũng nới lỏng các điều kiện đối với chương trình LTRO hiện tại nhằm hỗ trợ cho những ngân hàng cấp vốn vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, ECB sẽ bổ sung thêm 120 tỷ euro (khoảng 135 tỷ USD) cho chương trình mua tài sản trong năm nay bên cạnh khoản 20 tỷ euro/tháng hiện tại.

ECB cho biết kế hoạch “nới lỏng định lượng” (QE) này sẽ bao gồm “một sự đóng góp mạnh mẽ từ khu vực tư nhân”, vì khả năng mua trái phiếu chính phủ nhưng vẫn phải tuân thủ các giới hạn do ECB tự đặt ra đã trở nên eo hẹp. Nhưng ECB lại khiến thị trường bất ngờ với quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5%.

Trước đó, Ủy ban châu Âu còn dự định sẽ thành lập một quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro (khoảng 28 tỷ USD) để hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế, các doanh nghiệp và thị trường lao động.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí “sử dụng mọi công cụ sẵn có để đưa kinh tế châu Âu vượt qua cơn bão này”, bao gồm việc linh hoạt trong các quy định giới hạn nợ của Liên minh châu Âu (EU) và vạch ra đường lối chỉ đạo rõ ràng đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp.

Ở cấp độ quốc gia, Italy, nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, đang dành ra 25 tỷ euro để đối phó với dịch bệnh. Italy sẽ hỗ trợ các dịch vụ y tế, đàm bảo người dân không mất việc làm do các lệnh hạn chế đi lại và hỗ trợ các gia đình bằng các biện pháp như hoãn trả nợ vay thế chấp và thuế.

Anh, quốc gia dù không còn là một thành viên của EU nhưng vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của khối này, đã dành 30 tỷ bảng Anh (khoảng 39 tỷ USD) trong ngân sách mới nhằm xoa dịu tác động của dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương Anh cũng tăng cường kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất từ 0,75% xuống 0,25%.

Trong khi đó Đứccũng đang mềm mỏng hơn trong lập trường của mình đối với việc tăng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng. Nội các nước này đã thảo luận các biện pháp, trong đó có 3,1 tỷ euro chi đầu tư bổ sung mỗi năm từ năm 2021-2024. Con số này chỉ chiếm 0,1% GDP của Đức nhưng các chuyên gia cho rằng nó có thể sẽ còn tăng lên.

Chính phủ Đức cũng nhất trí tạo điều kiện cho các DN cho nhân viên làm ít giờ hơn. Tuy nhiên, những hành động nói trên chủ yếu thiên về việc hạn chế thiệt hại, hơn là giải quyết tình hình.

Chính sách kích thích tiền tệ và tăng chi tiêu công có thể thúc đẩy nhu cầu hàng hóa. Nhưng dịch Covid-19 đang gây ra cú sốc từ phía cung khi nhiều DN phải đóng cửa còn người dân bị hạn chế đi lại, mà cắt giảm thuế hay lãi suất đều không thể giải quyết được tình hình này.

Phân tích sâu hơn, Holger Schmieding - chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng tư nhân Berenberg - nhận định: Thế giới đang phải đối mặt với một tình thế cấp bách về y tế mà các chính sách tiền tệ và tài khóa không thế giải quyết được. Điều tốt nhất mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm cho nền kinh tế là ngăn chặn dịch bệnh gây thiệt hại lâu dài sau khi nó kết thúc, và giữ không để các DN vừa và nhỏ đang cung cấp phần lớn việc làm cho nền kinh tế rơi vào tình cảnh phá sản do tác động của dịch bệnh.

Cho đến khi có sự rõ ràng hơn về tác động của sự bùng phát dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận, họ có thể làm rất ít và phải theo dõi, chờ đợi. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định: "Các thị trường chỉ đơn giản phản ánh sự bất an rộng lớn hơn và còn quá sớm để xác định sự sụp đổ kinh tế. Tại thời điểm này, không có dự đoán nào thực sự có thể hoàn toàn chính xác. Đó là lý do tại sao một thông điệp bình tĩnh từ một quốc gia mạnh là cần thiết".
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Đối mặt với suy thoái, châu Âu tìm cách giảm thiệt hại do Covid-19