Đổi mới căn bản trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

(BKTO) - Với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

22.-dnnn.jpeg
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm tăng tính tự chủ của DNNN. Ảnh: ST

Tạo sự chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh

Phát biểu tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, với sự tham gia, góp ý của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay, Dự thảo Luật đã có nhiều thay đổi so với Dự thảo trước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật đã giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp...

Bảo toàn và phát triển vốn là nguyên tắc rất quan trọng và xuyên suốt Dự thảo Luật. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí vốn nhà nước, do đó cần làm rõ lý do của tình trạng này. Nếu nguyên nhân xuất phát từ quy định chưa đầy đủ thì cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm hiệu quả và chặt chẽ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng

Đáng chú ý, Dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng bao gồm “người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”. Quy định này đã bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống, đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt là ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước, với biện pháp, mức độ phù hợp.

Về chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, quy định hội đồng thành viên/chủ tịch công ty ban hành chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp. Quy định đã thay đổi căn bản so với Luật số 69 (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp), phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch kinh doanh hằng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ trong phê duyệt chiến lược và kế hoạch hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thay đổi căn bản nhất tại Dự thảo Luật là đối tượng quản lý. Luật trước đây quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia, còn Luật này chỉ quản phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, các quy định đã được thông thoáng hơn.

Bảo đảm cơ chế giám sát minh bạch, tránh thất thoát vốn nhà nước

Đồng tình với các quy định thông thoáng, phân cấp mạnh mẽ hơn tại Dự thảo Luật, song các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, tránh gây thất thoát.

Trong đó, quy định về hạn chế trong hoạt động đầu tư của DNNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội là cần quy định cụ thể hơn trong Luật các trường hợp hạn chế đầu tư. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, đây là nội dung rất quan trọng, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, song việc hạn chế này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động của DNNN. Vì vậy, ông Tùng đề nghị cần đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng về từng trường hợp để vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, với DNNN cũng như các thành phần kinh tế khác, những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đều phải được quy định trong Luật. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ việc đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư khác trong từng thời kỳ.

Liên quan đến vấn đề này, kết quả giám sát của Quốc hội, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã từng chỉ ra, tại một số doanh nghiệp một số khoản đầu tư hiệu quả không cao hoặc một số khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ; còn tình trạng góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao… Mặt khác, Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do đó, “để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các nội dung cấm hoặc hạn chế kinh doanh phải được quy định trong Luật” - Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nêu rõ.

Đối với công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, các ý kiến cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN vẫn cần có hoạt động thanh tra. “Nếu quy định như Dự thảo Luật hiện nay chỉ kiểm tra hoạt động đầu tư và quản lý vốn tại DNNN, bỏ hẳn hoạt động thanh tra thì chưa thực sự hợp lý. Trên nguyên tắc là không tiến hành quá nhiều hoạt động thanh tra, gây cản trở, khó khăn, cần cân nhắc theo hướng không bỏ mà có một số quy định mang tính nguyên tắc, còn quy trình, trình tự, thủ tục sẽ thực hiện theo Luật Thanh tra; cách thức tiến hành cần có hướng dẫn thêm của Chính phủ, để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu đề xuất.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, vốn nhà nước là tài sản công, do đó, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm bảo đảm vốn nhà nước tại đâu thì đều phải được kiểm tra, kiểm toán.

Nhấn mạnh quan điểm sửa đổi Luật để tạo thể chế mạnh mẽ, rõ ràng, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm hoàn thiện quy định trong Dự thảo Luật; qua đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã thấy rõ trong thực tiễn, tạo bứt phá trong quản lý DNNN để phát triển kinh tế trong tình hình mới./.

Cùng chuyên mục
  • Vai trò “vốn mồi” của Nhà nước trong dự án PPP
    4 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó có chủ trương nâng tỷ lệ vốn Nhà nước cho dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đặc thù. Nghị quyết đang được triển khai đã giúp tháo gỡ khó khăn, thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp lĩnh vực giao thông tham gia trở lại lĩnh vực này.
  • Tìm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức
    7 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Do đó, việc có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả tạo trợ lực giúp DN vượt thách thức đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay.
  • Tham quan, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại Nhiệt điện Hải Phòng
    8 ngày trước Doanh nghiệp
    Chiều ngày 17 tháng 4 năm 2025, đoàn đại biểu nhân dân phường Tam Hưng, Thành phố Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng nhằm đánh giá công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến môi trường trong quá trình sản xuất, vận hành của nhà máy.
  • Hợp tác xã công nghệ cao cũng mỏi mòn… chờ vốn
    8 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dù được xác định là thành phần kinh tế quan trọng và cần được quan tâm đầu tư song kinh tế tập thể, với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, tiếp cận vốn được xem là trở ngại lớn nhất đối với các HTX trong quá trình phát triển, đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn.
  • Văn hóa doanh nghiệp – Nền tảng bền vững tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng
    8 ngày trước Doanh nghiệp
    Trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng không ngừng củng cố và phát huy các giá trị văn hóa doanh nghiệp (VHDN).
Đổi mới căn bản trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp