Dự thảo Nghị định hướng đến đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Ảnh: P.Tuân
Nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định 11 đã thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trên cả nước theo quy hoạch và có kế hoạch, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, có sự kiểm soát thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Tình trạng phát triển đô thị theo dự án tràn lan, tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch đã được hạn chế, khắc phục; bước đầu hình thành mạng lưới đô thị được kết nối, phát triển theo kế hoạch, không dàn trải. Đặc biệt, các dự án đầu tư xây dựng đô thị tăng nhanh cả về số lượng dự án cũng như phân bổ lan tỏa ở nhiều địa phương. Nếu như năm 2011, cả nước mới có khoảng 635 dự án có quy mô trên 20ha trên tổng số 2.500 dự án nhà ở, khu đô thị thì đến năm 2018 đã có 284 dự án có quy mô trên 50ha trên tổng số 4.438 dự án nhà ở, khu đô thị; tổng diện tích sử dụng đất các dự án lên đến 110.000ha với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư sửa đổi mới đây đã có những quy định mới về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị. Đặc biệt, hiện nay, đã xuất hiện các dự án phát triển đô thị quy mô lớn và rất lớn nhưng chưa có quy định cụ thể điều chỉnh đối tượng này. Trong khi đó, những dự án nhỏ lại chưa có quy định để tháo gỡ cải cách thủ tục hoặc giảm những nội dung kiểm soát. Điều này dẫn tới các dự án với nhiều quy mô khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một quy định chung áp dụng…
Đại diện Bộ Xây dựng nêu thực tế, hiện nay, các quy định về đầu tư xây dựng khu đô thị áp dụng chung cho cả khu vực mới và khu vực đô thị hiện hữu. Việc xây dựng khu đô thị trong nội đô chưa yêu cầu phải thực hiện đánh giá tác động hạ tầng, dẫn tới tình trạng hạ tầng một số khu trung tâm các đô thị lớn bị quá tải, gây nên ùn tắc giao thông, ngập lụt… Tại các dự án có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài thì hầu hết các dự án này đều vừa xây dựng vừa khai thác sử dụng. Tuy nhiên, vẫn thiếu các chế tài để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan để đảm bảo quyền lợi người dân đến ở trong các khu đô thị này cũng như đảm bảo yếu tố đồng bộ trong và ngoài hàng rào dự án.
Đáp ứng yêu cầu quản lý của từng khu đô thị
Từ tổng kết thực tiễn với những vướng mắc và yêu cầu mới đặt ra, điểm đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 11 là quy định các nội dung quản lý đáp ứng yêu cầu của các khu đô thị khác nhau, gồm: xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang; có nhà ở và không có nhà ở; khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ, khu đô thị trong khu kinh tế… Trong đó, Dự thảo đưa ra những quy định cụ thể về quy hoạch chi tiết, sự phù hợp với chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; yêu cầu về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hướng dẫn đánh giá tác động hạ tầng đối với dự án cải tạo, chỉnh trang khu đô thị trong nội đô nhằm đảm bảo việc xây dựng đồng bộ tại khu đô thị mới và giảm tải hạ tầng tại khu vực đô thị hiện hữu. Đồng thời quy định các nội dung quản lý đối với các dự án vừa xây dựng vừa khai thác, sử dụng; trách nhiệm quản lý của các bên liên quan trong quá trình xây dựng khu đô thị cũng như cơ chế kiểm tra giám sát việc thực hiện.
Khắc phục tình trạng lúng túng về căn cứ, nội dung chương trình phát triển đô thị đối với các trường hợp khác nhau tại các địa phương, Dự thảo Nghị định quy định về phát triển đô thị theo quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và khu vực phát triển đô thị nhằm quản lý hiệu quả quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đảm bảo việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh lãng phí, dàn trải. Dự thảo Nghị định cũng quy định nguyên tắc, nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh và tổ chức thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia, toàn tỉnh và từng đô thị; chương trình phát triển đô thị đối với thành phố trực thuộc T.Ư; chương trình phát triển đô thị cho các đô thị dự kiến hình thành mới. Đồng thời bổ sung các nội dung bảo đảm gắn kết giữa phát triển đô thị với kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đô thị và đơn vị hành chính đô thị. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đặt ra các yêu cầu về đầu tư xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; công trình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, thân thiện môi trường.