Đề xuất thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn
Cùng với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đang được giải ngân, Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần hai dành cho DN và NLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, về chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm. Đối tượng thụ hưởng ưu đãi là DN nhỏ và vừa; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên DN siêu nhỏ và nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); NLĐ tại khu vực nông thôn. Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỷ đồng, đối với NLĐ 100 triệu đồng). Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 01/9/2020 đến ngày 01/9/2021 với lãi suất vay là 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí hỗ trợ ước tính là 15.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hỗ trợ cho khoảng 10.000 cơ sở sản xuất và 100 lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ cho đối tượng là NLĐ đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ tối đa 3 tháng, áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020 với kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo 3,96%/năm (hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm). Thời gian hỗ trợ lãi suất là 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 01/9/2020 đến ngày 01/9/2021.
Theo các chuyên gia, việc có thêm một gói hỗ trợ nữa ngoài gói 62.000 tỷ đồng là cần thiết để các DN, NLĐ giảm bớt khó khăn và có việc làm. Tuy nhiên, để các gói hỗ trợ thực sự đem lại hiệu quả, cơ quan chức năng cần rà soát đến từng đối tượng và đưa ra mức hỗ trợ khác nhau. Đối với NLĐ có kỹ năng, trình độ chưa cao, cần tính toán đến phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo việc làm và thu nhập.
Nới điều kiện, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách
Cùng với việc đề xuất thêm gói hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có Tờ trình Chính phủ về ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, điều chỉnh các điều kiện đối với chính sách cho vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ. Đây được coi là những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng được tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 mở rộng đối tượng thụ hưởng tới các chủ thể khác ngoài DN như: các trường dân lập, tư thục, các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo thống kê của ngành giáo dục, ước tính có 145.461 NLĐ, cán bộ giảng viên các cơ sở giáo dục phải nghỉ việc, không có lương trong thời gian nghỉ dịch Covid-19. Kinh phí về số lượng lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục quốc dân ước tính là trên 1.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiếp thu kiến nghị của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất xác định lại thời điểm được hưởng chính sách hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/02/2020 (tháng Việt Nam công bố dịch) đến ngày 01/6/2020 (theo Nghị quyết 42 là từ ngày 01/4/2020), nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có thời gian tạm hoãn kéo dài từ trước ngày 01/4/2020 tới tháng 4, tháng 5 và tháng 6, để tránh thiệt thòi cho đối tượng. Việc tính thời gian hỗ trợ vẫn không quá 3 tháng. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cụ thể điều kiện “người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính”; bổ sung làm rõ nội dung “hộ kinh doanh bị tạm ngừngkinh doanh”… để tạo sự thống nhất, thuận lợi trong thẩm định, xét duyệt.
Dự thảo Nghị quyết đã được các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua và đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đ.KHOA