Đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận vốn ODA, vốn vay ưu đãi

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định số 56) nhằm đổi mới công tác quản lý, đơn giản hoá thủ tục, tăng cường phân cấp để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại…



                
   

Nhiều dự án giao thông tại Việt Nam đã sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 8 Bộ, cơ quan T.Ư và 27 địa phương, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ về những bất cập liên quan đến thể chế, quy trình, thủ tục và pháp luật hiện hành trong công tác quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có nhiều bất cập, hạn chế khi thực hiện theo Nghị định số 56.

Thứ nhất, việc hoàn thành quy trình, thủ tục từ bước đề xuất dự án đến khi ký hiệp định mất nhiều thời gian. Khác với đầu tư công sử dụng vốn trong nước, việc tiếp nhận vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải thực hiện qua nhiều bước: xây dựng và phê duyệt đề xuất, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đàm phán, ký kết hiệp định, phê chuẩn hiệp định…

Tại mỗi bước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến nguồn vốn ODA và vay ưu đãi không đồng bộ, nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia trong quá trình ra quyết định dẫn đến việc hoàn thành quy trình, thủ tục ở từng bước mất nhiều thời gian. Thông thường, để có thể thực hiện một dự án phải mất từ 2-3 năm mới hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phân biệt rõ chi đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019. Theo đó, nhằm tăng cường quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên, các cơ quan chủ quản phải thực hiện rà soát, phân bổ lại dòng ngân sách chi đầu tư, chi thường xuyên dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và bố trí vốn đối ứng cho các hoạt động có tính chất chi thường xuyên, trong khi nguồn vốn này đã được nhà tài trợ cam kết trong Hiệp định. Việc chưa có hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phân biệt rõ đầu tư và chi thường xuyên trong các dự án vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng gây khó khăn cho việc triển khai, thực hiện dự án.

Thứ ba, về điều ước quốc tế, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, Nghị định số 56 quy định gia hạn, điều chỉnh, bổ sung đối với các điều ước quốc tế, thỏa thuận cụ thể về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện sau khi chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những thay đổi như gia hạn thời gian thực hiện dự án, tương ứng với đó là gia hạn giải ngân các hiệp định phải thực hiện thành 2 quy trình nối tiếp nhưng đều do Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện, chồng chéo về thủ tục.

Thứ tư, về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, theo Nghị định số 56, tất cả các nội dung trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đều phải thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư như ban đầu với quy trình, thủ tục phức tạp, gây khó khăn trong quá trình điều chỉnh chương trình, dự án khi đang triển khai thực hiện.
                
   

Quy trình, thủ tục điều chỉnh dự án ODA còn phức tạp, khó khăn - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Thứ năm, việc DNNN vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trước đây thực hiện theo Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP, nhưng nay các khoản vay này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công nên Nghị định số 56 không quy định nội dung này. Do đó, không có quy định về quy trình, thủ tục để DNNN vay lại 100% vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đặc biệt là việc điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không thực hiện được.

“Việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 56 là cần thiết để khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời đáp ứng tốt các mục tiêu và yêu cầu đề ra nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài” - Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ về nguyên tắc xây dựng Nghị định mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, việc DN vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đặc biệt là các văn bản pháp luật ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian gần đây như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 10 Chương, 100 Điều và 10 Phụ lục với những quy định không chỉ nhằm đổi mới công tác quản lý, đơn giản hoá thủ tục, tăng cường phân cấp để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại mà còn kế thừa những mặt được của Nghị định số 56, cũng như giải quyết những hạn chế, bất cập đã được bộc lộ rõ trong thực tiễn khi thực hiện Nghị định này. Đồng thời bổ sung những nội dung mới xuất phát từ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước và xu thế mới trong quan hệ hợp tác phát triển của các nhà tài trợ với Việt Nam.
PHÚC KHANG

Cùng chuyên mục
Đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận vốn ODA, vốn vay ưu đãi