Chiều 27/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020; thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, đóng vai trò quan trọng cho vấn đề về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những đầu tư quan tâm đối với hệ thống y tế cơ sở cho đến thời điểm hiện nay chưa được như mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vực như: tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; đảm bảo những đổi mới về cơ chế tài chính, … để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống.
Liên quan đến vấn đề về khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, triển khai rất nhiều biện pháp, vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. “Theo đánh giá chung thì hiện nay các điểm số của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, tới đây vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề về đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, về nhân lực, trang thiết bị cũng như là vấn đề về triển khai mạnh mẽ hơn nữa những đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua, như là Đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa” - Bộ trưởng cho biết.
Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội về những khó khăn, vương mắc trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Bộ trưởng thông tin, về cơ bản hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như y tế đã thực hiện việc tạm ứng thanh quyết toán về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho BHYT. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề, vấn đề về chậm thanh toán…. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp, thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trong năm 2021 không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán, cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục sẽ đổi mới phương thức về việc thanh toán BHYT theo quy định của Luật BHYT, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương (DRG)
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Bên cạnh đó, đối với việc giám định BHYT và vấn đề về thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm, Bộ Y tế đã chỉ đạo cũng như phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với BHYT. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác này cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về BHYT. “Bộ Y tế đang dự kiến xây dựng luật, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính độc lập tương đối của hệ thống giám định bảo hiểm y tế,…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm.
Làm rõ hơn vấn vấn đề về thu, chi và Quỹ BHYT thời gian qua có những bất cập do mức đóng BHYT còn ở mức độ rất giới hạn, Bộ trưởng cho biết, hiện nay NSNN chiếm tới 59% các đối tượng tham gia BHYT nhưng số kinh phí từ số này chỉ khoảng 37%. Mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao, Bộ đã đưa vào trong thanh toán. Vì vậy, việc đảm bảo cân đối nguồn Quỹ BHYT là một vấn đề đang đặt ra. Trong thời gian tới, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Luật BHYT, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ BHYT./.
Đ. KHOA