Đổi mới hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng và khai thác khoáng sản

(BKTO) - Từ sau năm 1975, ngành khai khoáng của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh và hiện nay đã trở thành một ngành kinh tế có đóng góp lớn vào GDP và thu NSNN của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, những thành tựu đạt được, cho đến nay, sự quản lý nhà nước và hoạt động khai khoáng của Việt Nam vẫn còn nhiều mặt yếu kém, hạn chế cần phải khắc phục để phát triển. Thực tế đó đặt ra cho KTNN yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán đối với hoạt động quản lý và khai thác khoảng sản, nhằm góp phần phát triển ngành khai khoáng của Việt Nam.



Để đáp ứng được yêu cầu cấp bách trên, hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và hoạt động kiểm toán chuyên đề của KTNN nói riêng cần được đổi mới, hoàn thiện với những giải pháp sau: Đổi mới hoạt động kiểm toán quản lý và khai thác khoáng sản (QLVKTKS) dựa trên cơ sở đổi mới công tác kế hoạch kiểm toán.

         

   PGS,TS. ĐINH TRỌNG HANH
   
Thứ nhất, tổ chức một cách có hệ thống công tác xây dựng và quản lý kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán trung hạn (3 năm), trong đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm toán đối với ngành khai khoáng. Trong nội dung của kế hoạch, chương trình kiểm toán cần ưu tiên, chú trọng xây dựng các chương trình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá chuyên sâu những lĩnh vực, hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản có những “vấn đề”, hoạt động yếu kém để tổ chức thực hiện đạt được những mục tiêu có giá trị đổi mới tích cực trong phát triển ngành.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý kế hoạch kiểm toán năm trong mối quan hệ hữu cơ với kế hoạch kiểm toán trung hạn về các chương trình, kế hoạch kiểm toán đối với ngành khai khoáng; đây là cơ sở cho việc thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề vượt khỏi giới hạn của từng “cuộc kiểm toán”, giải quyết được những “vấn đề” có tính hệ thống, tác động rộng đối với hệ thống các đơn vị được kiểm toán của ngành khai khoáng.

Trong xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm toán chuyên đề cần chú trọng đến các nhóm hoạt động: quản lý nhà nước về hoạt động khai khoáng; hiệu quả kinh tế và trình độ công nghệ của hoạt động khai thác khoáng sản; hoạt động bảo vệ và khôi phục môi trường trong khai thác khoáng sản; hoạt động tuân thủ pháp luật của các DN khai thác khoáng sản đối với Nhà nước, khu vực dân cư; đánh giá tác động của hoạt động khai khoáng đến môi trường, đến giải quyết lợi ích kinh tế và các vấn đề xã hội của các chủ thể, cộng đồng liên quan.

Đa dạng hóa hình thức tổ chức kiểm toán chuyên đề phù hợp với đặc điểm của “vấn đề” kiểm toán đối với ngành khai khoáng.

Có 2 hình thức tổ chức kiểm toán cơ bản sau:Một là, tổ chức kiểm toán chuyên đề theo mô hình hình thành “chuỗi” các cuộc kiểm toán đối với những chuyên đề ở phạm vi rộng cả một lĩnh vực, ngành, địa phương có hoạt động khai khoáng. Các chương trình, các “chuỗi” cuộc kiểm toán này có thể được tổ chức trong 2 - 3 năm liên tục để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu kiểm toán.

Hai là, tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề lồng ghép trong các cuộc kiểm toán tài chính (Bộ, ngành, địa phương) đối với các chuyên đề hướng vào đánh giá những “vấn đề” trong QLVKTKS phát sinh trong từng đơn vị được kiểm toán (kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, bảo vệ và phục hồi môi trường...).

Xây dựng quy trình kiểm toán phù hợp với những đặc thù của các chương trình, các “chuỗi” cuộc kiểm toán chuyên đề QLVKTKS.
Cụ thể gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn chuyên đề cho các chương trình, các “chuỗi” cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN. Đây là giai đoạn đầu tiên của quy trình kiểm toán, có ý nghĩa quyết định trong định hướng hoạt động kiểm toán. Giai đoạn này cần thực hiện cả việc nghiên cứu qua các tài liệu, báo cáo của ngành khai khoáng, đồng thời cần thực hiện khảo sát thực tế tại các đơn vị QLVKTKS để chọn đúng “vấn đề” có tính trọng yếu, hoạt động yếu kém hoặc hàm chứa nhiều rủi ro trong hoạt động.

Giai đoạn 2: Tổ chức các “cuộc kiểm toán thử nghiệm” tại một số đơn vị thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương có các hoạt động liên quan tới chuyên đề kiểm toán. Đây là bước triển khai kiểm toán thực tế tại các đơn vị được kiểm toán. Việc chọn mẫu các đơn vị được kiểm toán phải đảm bảo đại diện cho các loại hình đơn vị trong chương trình kiểm toán để làm cơ sở thực tiễn cho việc xác định, điều chỉnh chủ đề kiểm toán là xác định đầy đủ, chính xác các đơn vị được kiểm toán.

Giai đoạn 3: Phân tích, đánh giá kết quả kiểm toán và xây dựng “mô hình chuẩn” của cuộc kiểm toán chuyên đề. Dựa trên kết quả kiểm toán của giai đoạn 2, ban chỉ đạo chương trình kiểm toán phải tiến hành phân tích, đánh giá kết quả kiểm toán so với các mục tiêu của cuộc kiểm toán; đánh giá việc xác định nội dung, phạm vi và cách thức tổ chức các cuộc kiểm toán, việc bố trí nhân sự và chỉ đạo hoạt động kiểm toán…; từ đó, xác định, hoàn chỉnh các mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán và “chuẩn hóa” cách thức tổ chức cuộc kiểm toán để mô hình hóa, chuẩn hóa cách tổ chức cuộc kiểm toán. Trong “mô hình chuẩn” cần chú trọng đến xác định thống nhất các tiêu chí kiểm toán và tiêu chuẩn đánh giá kiểm toán để đảm bảo sự thống nhất trong các cuộc kiểm toán thành phần.

Giai đoạn 4: Tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề thành phần theo “mô hình chuẩn”. Đây là giai đoạn mở rộng việc thực hiện kiểm toán chuyên đề. Trong giai đoạn này, cần chú trọng đến hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán để đảm bảo cho việc hoàn thành các mục tiêu của cuộc kiểm toán một cách đồng bộ tại tất cả các cuộc kiểm toán thành phần, làm cơ sở trực tiếp cho việc tổng hợp có hệ thống, toàn diện kết quả của chương trình kiểm toán.

Giai đoạn 5: Tổng hợp kết quả và đề xuất các kiến nghị kiểm toán của cuộc kiểm toán chuyên đề của KTNN. Đây là giai đoạn cuối cùng rất quan trọng của việc thực hiện kiểm toán. Kết quả kiểm toán phải được tổng hợp theo những tiêu chí kiểm toán đã được xác định và phải được đánh giá theo các tiêu chuẩn của cuộc kiểm toán. Việc tổng hợp, phân tích kết quả kiểm toán một cách khoa học là cơ sở thực tiễn để KTNN đưa ra những đánh giá chính xác, kết luận và đề xuất các kiến nghị có giá trị đối với ngành về những vấn đề được kiểm toán.

Vận dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp với đặc thù của kiểm toán chuyên đề QLVKTKS.

Cụ thể gồm các định hướng sau: Đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán: Chuyển từ phương pháp tiếp cận kiểm toán toàn diện trong kiểm toán tài chính sang phương pháp tiếp cận “vấn đề” (tập trung vào những hoạt động trọng yếu, có rủi ro cao hoặc đang tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế) để tập trung vào các việc “then chốt” mà khi khắc phục được những mặt yếu kém, hạn chế sẽ có tác động “lan tỏa” tích cực đến các hoạt động khác của đơn vị được kiểm toán cũng như đối với ngành, lĩnh vực, địa phương được kiểm toán.

Chuyển từ việc áp dụng các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán truyền thống trong kiểm toán tài chính (kiểm tra, đối chiếu, so sánh…) sang các phương pháp kiểm toán chuyên sâu (khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu; phân tích, điều tra…), đồng thời, mở rộng phạm vi cơ sở dữ liệu kiểm toán từ dữ liệu tài chính, kế toán sang dữ liệu thống kê kinh tế, điều tra xã hội học… Ngoài ra, cùng với những phương hướng và giải pháp đổi mới trên, KTNN, các KTNN chuyên ngành, các KTNN khu vực khi thực hiện các cuộc kiểm toán việc QLVKTKS cần đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức thông tin kiểm toán (đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán), công tác quản lý hoạt động kiểm toán gắn với chuyên đề kiểm toán và đặc biệt là công tác quản lý và kiểm soát chất lượng kiểm toán phù hợp với đặc điểm của các cuộc kiểm toán.

PGS,TS. ĐINH TRỌNG HANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
Đổi mới hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng và khai thác khoáng sản