KTNN Việt Nam đã chính thức triển khai cuộc kiểm toán Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công. Ảnh: N.Lộc
Đổi mới từ nội dung, cách thứctổ chức kiểm toán
Việc KTNN đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán trên nhằm góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông Mê Công, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam; đồng thời, thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về thúc đẩy vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội. Cuộc kiểm toán được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song do KTNN Việt Nam chủ trì, SAI Thái Lan và Myanmar là thành viên. Với vai trò chủ trì cuộc kiểm toán và Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến trong việc đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện.
Theo đó, bên cạnh việc đánh giá trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, cuộc kiểm toán sẽ tập trung vào đánh giá: tác động do quản lý, khai thác và sử dụng bất hợp lý, thiếu bền vững nguồn nước lưu vực sông Mê Công đối với số lượng và chất lượng nước, phù sa, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân ở các nước trong lưu vực sông Mê Công; việc thực hiện các cam kết quốc tế về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công và việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho vùng hạ lưu sông Mê Công giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, bám sát định hướng của INTOSAI trong kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, cuộc kiểm toán xác định mục tiêu triển khai gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là đánh giá việc thực hiện Mục tiêu cụ thể 6.5 liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, thuộc Mục tiêu phát triển bền vững số 6 ban hành kèm theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì Sự phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ.
Về cách thức tổ chức thực hiện, theo thông lệ, các SAI tham gia cuộc kiểm toán song song sẽ cùng thống nhất chủ đề, mục tiêu và hài hòa phương pháp kiểm toán. Trên cơ sở kết quả kiểm toán được thực hiện độc lập tại mỗi quốc gia, các SAI đưa ra các báo cáo kiểm toán với những khuyến nghị cho từng quốc gia. Tuy nhiên, cuộc kiểm toán lần này, bên cạnh chủ đề và mục tiêu kiểm toán đã được thống nhất, KTNN Việt Nam xây dựng Đề cương kiểm toán xác định cụ thể 4 nội dung và các tiêu chí kiểm toán tương ứng của cuộc kiểm toán và khuyến khích các SAI cùng thực hiện các nội dung, tiêu chí kiểm toán do KTNN Việt Nam xác định tại quốc gia của mình, đặc biệt 4 tiêu chí thuộc Nội dung kiểm toán số 2 về đánh giá tác động do quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Công đối với số lượng và chất lượng nước, phù sa, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân ở các nước trong lưu vực sông Mê Công. Nhằm tạo thuận lợi cho việc tổng hợp, KTNN đã xây dựng Mẫu Kế hoạch kiểm toán và Báo cáo kiểm toán để các SAI tham gia cuộc kiểm toán cùng áp dụng.
…đến phương pháp tiếp cận,khảo sát, lập kế hoạchkiểm toán
Do tính chất phức tạp và đa dạng của công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, cuộc kiểm toán áp dụng phương pháp tiếp cận “toàn Chính phủ” nhằm phát hiện sự phân mảnh, khoảng trống, trùng lặp và chồng chéo trong vai trò, trách nhiệm và chức năng ở các cấp Chính phủ; xác định lỗ hổng của cơ chế, chính sách cũng như những bất cập về cơ chế phối hợp và giám sát giữa các cơ quan Chính phủ theo ngành dọc và các cơ quan cùng cấp. Từ đó, KTNN đưa ra những đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung chính sách và hoàn thiện cơ chế. Phương pháp này cũng giúp đánh giá liệu việc phân bổ ngân sách cho các Bộ, ngành, địa phương và trong nội bộ các đơn vị có dựa trên sự ưu tiên, chính sách, kế hoạch hành động và vai trò của từng đơn vị trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, xác định đây là cuộc kiểm toán phức tạp, đa dạng về nội dung, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và đa quốc gia, KTNN đã sớm chủ động triển khai xây dựng Kế hoạch khảo sát cụ thể đối với từng Bộ, ngành và địa phương có liên quan. Việc xây dựng Đề cương khảo sát bám sát mẫu biểu của Ngành, đi sâu vào xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trọng tâm kiểm toán tại từng đơn vị để yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp các hồ sơ tài liệu một cách cụ thể, tránh việc thiếu thông tin nhằm xây dựng một kế hoạch kiểm toán sát với thực tế. Ví dụ, đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần trọng tâm vào vai trò Bộ chủ quản trong việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công và thực hiện Mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc Mục tiêu phát triển bền vững số 6; thông tin về số lượng và chất lượng nước; lượng phù sa; các chỉ số quan trắc và kết quả định kỳ... Đối với Bộ Công Thương, Đề cương khảo sát cần thu thập thông tin liên quan đến quy hoạch, chiến lược phát triển các công trình thủy điện trên lưu vực sông Mê Công; việc quản lý và vận hành các công trình thủy điện...
Về trình bày các phát hiện kiểm toán, đối với mẫu Báo cáo của KTNN hiện nay, các phát hiện kiểm toán chủ yếu đang được trải đều và trình bày theo trình tự: Thực trạng vấn đề - Phát hiện - Nguyên nhân - Kết luận. Đối với cuộc kiểm toán này, báo cáo kiểm toán dự kiến sẽ được trình bày theo thông lệ quốc tế với trình tự gồm: Phát hiện kiểm toán - Tác động - Nguyên nhân cốt lõi - Kết luận - Kiến nghị. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thực hiện, Đoàn kiểm toán sẽ tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng mục tiêu, nội dung và tiêu chí kiểm toán đã được phê duyệt tại Kế hoạch kiểm toán tổng quát.
ThS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH
KTNN chuyên ngành III