Đối phó dịch Covid-19 - Việt Nam có cần nới lỏng tiền tệ?

(BKTO)- Mặc dù mới có những đánh giá sơ bộ ban đầu, nhưng dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho nền kinh tế của nước ta. Nhiều câu hỏi đang được nhiều người quan tâm hiện nay, Việt Nam liệu có cần động thái nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay không?



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Ngân hàng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó, giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 như công nghiệp chế biến - chế tạo (chiếm tỷ trọng 16,48% GDP và 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế); nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 13,96 GDP và 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế)…

Theo đánh giá đến ngày 12/2/2020 của 43 tổ chức tín dụng (TCTD), dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, khoảng 950 nghìn tỷ đồng.

Trước tác động của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01; áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay... Bên cạnh đó, NHNN cho biết vẫn chưa thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay.

Bản thân các ngân hàng thương mại, ngay khi dịch Covid-19 diễn ra, cũng nhanh chóng rà soát khách hàng chịu ảnh hưởng và tự đưa ra các giải pháp hỗ trợ như hạ lãi suất cho vay, ưu đãi phí dịch vụ thanh toán… theo nguyên tắc “hỗ trợ khách hàng chính là hỗ trợ mình”. Khách hàng vượt qua khó khăn thì dòng vốn huy động cho vay sẽ ổn định, rủi ro nợ xấu giảm đi.

Có cần thiết phải nới lỏng tiền tệ?

Mặc dù mới có những đánh giá sơ bộ ban đầu, nhưng phải thừa nhận rằng, dịch Covid-19 chắc chắn sẽ tạo ra khó khăn nhất định cho nền kinh tế.Đánh giá của Nhóm Nghiên cứu BIDV đưa ra 3 kịch bản, kịch bản nào cũng đều khiến tăng trưởng GDP năm nay giảm so với dự kiến. Báo cáo của các công ty chứng khoán như VNDirect, KBSV... cũng cho kết quả tương tự.

Nới lỏng tiền tệ là cách phổ biến nhất để kích cầu: Trung Quốc và Singapore bơm lần lượt 1.700 tỷ nhân dân tệ và 5,6 tỷ USD Singapore để kích cầu; Trung Quốc cũng hạ hạ lãi suất 10 điểm cơ bản đối với khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (28,65 tỷ USD) giá trị các khoản vay trung hạn có kỳ hạn một năm (MLF), tức từ 3,25%/năm trước đây xuống 3,15%/năm như hiện nay.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thái Lan giảm lãi suất cơ bản xuống mức kỷ lục 1%/năm để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm suy giảm nghiêm trọng du lịch của nước này.Ngân hàng Trung ương Philippines cũng giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%/năm.

Đánh giá về thị trường tiền tệ một tháng vừa qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho biết: “Việc các ngân hàng tuyên bố các gói hỗ trợ theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới sẽ khiến dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn. Trong khi việc bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ các nhà băng ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, xét ở một góc độ nào đó, cũng là một biện pháp nới lỏng tiền tệ rồi”.

Cũng theo một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho biết: Cần có thêm thời gian để đánh giá tác động của dịch đối với các hoạt động của nền kinh tế, cũng như với khách hàng vay vốn.

Phân tích thêm, chuyên gia này lấyví dụ: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), để tăng hay hạ lãi suất, Fed cần rất nhiều dữ liệu, từ chỉ số lạm phát, tăng trưởng... đến tỷ lệ việc làm, đơn trợ cấp thất nghiệp, bảng lương phi nông nghiệp…Việt Nam cũng tương tự, kinh nghiệm quá khứ cho thấy, thắt chặt tiền tệ quá mức có thể dẫn đến sản xuất đình trệ, nhưng nới lỏng tiền tệ quá đà có thể dẫn đến hệ lụy lớn là lạm phát cao trong tương lai.

Chính vì vậy theo chuyên gia này vẫn phảicần thêm các dữ liệu để xem xét vào cuối tháng 2 như tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu, ảnh hưởng của dịch tới các ngành… thì mới có thể quyết định.

Ở góc độ khác, TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết: “Chính phủ đã có chủ trương không thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Để đạt được các mục tiêu đó, chính sách tiền tệ phải phù hợp và linh hoạt nên việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần hết sức cân nhắc. Mặt khác, mức giảm dư nợ tín dụng chưa đến mức phải tính đến chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Đối phó dịch Covid-19 - Việt Nam có cần nới lỏng tiền tệ?