Một năm thực thi CPTPP: Tăng sức ép hoàn thiện thể chế

(BKTO) - Sau hơn 1 năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, theo nhìn nhận của các chuyên gia, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên CPTPP bước đầu có sự tăng trưởng, nhưng nhìn chung hiệu quả thu hút đầu tư còn hạn chế, việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong CPTPP còn chậm.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

DN cần có tầm nhìn dài hạn hơn

Theo báo cáo về thực hiện Hiệp định CPTPP sau 1 năm triển khai của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy: Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Với khối nước CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu (XK) của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018.

Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch XK của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch NK đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam đạt khoảng 39% năm 2018-2019. Hiệp định CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường.

Tuy nhiên, theo CIEM, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế và năng lực của DN trong nước.Hiện nay, các DN ít nhiều đã có sự quan tâm, tìm hiểu về CPTPP.Tuy vậy, DN vẫn còn phải điều chỉnh, xử lý một số vấn đề quan trọng để sẵn sàng hơn đối với CPTPP. Cụ thể, về mức độ hiểu biết, các DN còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn; mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, các biện pháp hàng rào kỹ thuật đối với thương mại(SPS), các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật(TBT)... và thiếu thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước.

Về năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, và cải tiến công nghệ còn rất thấp.Trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực DN; trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN còn hạn chế. DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng cho DN FDI.

DN Việt Nam có cơ hội không nhỏ từ CPTPP: mở rộng thị trường, gia tăng XK, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn.

Tuy vậy, DN cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.

Cải cách thể chế để tận dụng cơ hội

Một nội dung quan trọng nữa trong báo cáo của CIEM, đó là vấn đề cải cách thể chế. Theo đánh giá của cơ quan này, quá trình thực hiện và triển khai CPTPP trong thời gian qua ghi nhận những nỗ lực nhất định của Nhà nước trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế theo cam kết FTA. Những chính sách phát triển DN đáng chú ý của Nhà nước là khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân; cải cách DNNN; cải cách về thu hút FDI, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quan hệ cung ứng giữa DN FDI và DN trong nước; điều chỉnh về chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn lực và nâng cao năng lực cho DN...

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp tại CIEM: Những nỗ lực này vẫn còn khoảng cách so với thông lệ tốt của quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế chính sách thương mại nhằm cải thiện mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA, tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, hỗ trợ DN hội nhập và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, thông tin và tham vấn doanh nghiệp nhằm hỗ trợ DN hội nhập và thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế.

Thực tế việc triển khai CPTPP trong hơn 1 năm qua cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế. Đó là thể chế đầu tư; ổn định kinh tế vĩ mô; chính sách ngành, chính sách công nghiệp; thể chế liên quan tới các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; thể chế về phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; tận dụng không gian chính sách nhằm khuyến khích sự tham gia, sáng tạo của DN.

Nhấn mạnh đến vấn đề đề này, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cho rằng: Việt Nam cam kết nhiều nhưng thực thi chưa tốt. Đây là điểm mà nhiều nhà đầu tư cho là điểm yếu nhất.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - cho biết: Với Việt Nam, CPTPP là tiêu chuẩn và định hướng cho cải cách bởi nó đề cập cả vấn đề mới và truyền thống, đề cập cả những vấn đề không thuộc thương mại và đầu tư như lao động. CPTPP tạo ra sức ép cho chúng ta cải cách. Nhưng CPTPP cũng là động lực cho Việt Nam cải cách.

"Trong 1 năm vừa qua, có thể nói là còn quá ngắn nhưng cũng cho thấy những vấn đề về cải cách thể chế chưa được như kỳ vọng của DN. Những cam kết của cơ quan quản lý Nhà nước đến nay vẫn chỉ là kỳ vọng. Nhiều quy định, cam kết về thể chế được đưa vào thực tiễn quá muộn. Đơn cử như cho đến nay vẫn chưa có nghị định quy định về đấu thầu", bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Một năm thực thi CPTPP: Tăng sức ép hoàn thiện thể chế