Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, thúc đẩy phát triển du lịch

(BKTO) - Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư...

270520230924-toan-canh-sang-27.05.jpeg
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: VPQH

Thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần

Trình bày Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại phiên họp sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Trong đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam.

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 7 và 9 để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 03 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19a để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 31 để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam.

Tạo thuận lợi thu hút khách du lịch, lao động nước ngoài

Chiều 27/5, thảo luận ở Tổ về Dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành các Luật hiện hành về xuất, nhập cảnh; tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất định cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

phu-ha.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận ở Tổ chiều 27/5. Ảnh: VPQH

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước) cho biết, các nhóm vấn đề đưa ra trong Dự thảo Luật đã được nhiều cơ quan, đặc biệt là các đơn vị trong ngành du lịch đề xuất từ lâu. Những đề xuất này hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn và đã tham khảo kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước cạnh tranh về du lịch với Việt Nam, các nước trong ASEAN.

Đồng tình việc mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và các vùng lãnh thổ, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ tác động nội dung này, đặc biệt là vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cơ sở không quá thận trọng mà cần mở rộng thêm một số nước so với hiện tại.

Đại biểu cũng cho rằng, việc Chính phủ đề xuất nâng thời hạn giá trị thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng là rất cần thiết bởi nhiều nước đã mở rộng thời hạn trong khi nước ta quy định thời hạn thị thực điện tử quá ngắn, không phù hợp với một lượng khách lớn ở các thị trường trọng điểm.

Tương tự, đại biểu đồng tình quy định về nâng thời hạn cấp tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực.

“Hiện nay, rất nhiều nước trong khối ASEAN đã có thời gian cấp tạm trú dài hơn nước ta rất nhiều. Trong khi nước ta phổ biến là 15 ngày thì Sigapore đã mở rộng từ 30 ngày lên 90 ngày, Malaysia cũng nâng 14 lên 90 ngày…” - đại biểu thông tin.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất Chính phủ xem xét nâng thời gian gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh từ 3 năm lên 5 năm để các cơ quan, DN và đối tác có thể xây dựng các kế hoạch phù hợp nhằm khai thác thị trường.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình), việc Chính phủ đề xuất sửa đổi thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần đã mở ra quy định cho khách du lịch để tránh trường hợp khách du lịch đến Việt Nam sau đó sang các nước khác muốn quay lại nước ta thì không quay lại được.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thời hạn thị thực có ký hiệu SQ vẫn cơ bản không thay đổi so với Luật hiện hành (thời hạn không qua 30 ngày); đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét có thể kéo dài đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày.

“Thông thường khách du lịch nước ngoài khi đi du lịch thường rất dài, thời gian thường có thể 1 tháng, 2 tháng, vì vậy, nên kéo dài hơn thời hạn này” - đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, đồng thời cũng đề nghị kéo dài thời hạn đối với thị thực ký hiệu HN, DL nhằm thu hút người lao động, khách du lịch cũng như người làm việc của nước ngoài vào nước ta nhiều hơn, thời gian dài hơn, đồng thời tạo thuận lợi cho khách nước ngoài./.

Cùng chuyên mục
  • Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 3 toàn quốc về chuyển đổi số
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, kết quả chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh rất đáng ghi nhận. TP. Hồ Chí Minh hiện nằm trong top 200 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. TP. Hồ Chí Minh hiện xếp thứ 3 toàn quốc về chuyển đổi số. Năm 2022 là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh đánh giá mức độ đóng góp của kinh tế số và GRDP là 15,3%.
  • Khơi thông gói hỗ trợ lãi suất 2%
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng. Trong khi các chuyên gia đề xuất điều chuyển nguồn vốn này sang các chương trình hỗ trợ khác thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hối thúc các nhà băng đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ để “giải ngân thêm đồng nào tốt đồng đó”.
  • Tiếp tục thúc đẩy đàm phán giá điện chuyển tiếp
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chiều 26/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã trao đổi thông tin với báo chí về tình hình cung ứng điện, việc đàm phán giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và huy động nguồn điện, trong đó có nhập khẩu từ nước ngoài.
  • Cử tri kiến nghị làm rõ cách tính giá điện sinh hoạt
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp.
  • Chính thức trình Quốc hội chính sách đột phá phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
    một năm trước Địa phương
    (BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 26/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV; chính sách mới lần đầu được quy định.
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, thúc đẩy phát triển du lịch