Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, chiều 26/5, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, tại cuộc tiếp xúc cử tri Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri Quảng Ninh đã kiến nghị: Hiện nay giá bán điện sinh hoạt cho người dân áp dụng phương pháp tính giá 6 bậc, nếu áp dụng thống nhất một giá bán điện thì sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và bảo đảm được quyền, lợi ích của người dân. Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt của người dân theo hướng quy định thống nhất một bậc.
Kiến nghị trên đã được Bộ Công Thương có Văn bản số 1288 ngày 13/3/2023 trả lời. Theo đó, Bộ đã nghiên cứu phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu tính giá bán lẻ của điện sinh hoạt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp.
Khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế được phục hồi, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thuê tư vấn nghiên cứu và có báo cáo gửi Bộ Công Thương Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, trong đó có đề xuất 3 phương án rút gọn từ 6 bậc xuống thành 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.
Cả 3 phương án đều điều chỉnh lượng sử dụng của bậc 1 từ 50 KW/h trở xuống thành từ 100 KW/h trở xuống. Lượng điện sử dụng các bậc sau sẽ được điều chỉnh giãn cách lớn hơn để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.
Bộ Công Thương cũng “hứa” sẽ lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu giá bán điện và sẽ tiếp tục đề nghị sửa đổi Quyết định số 28 theo quy trình quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, đến ngày 04/5/2023, biểu giá điện sinh hoạt kèm theo Quyết định 1062 của Bộ Tài chính vẫn thực hiện 6 bậc tính giá điện tương ứng với số KW/h điện sử dụng trên tháng và giá điện sinh hoạt bậc 1 vẫn tính là từ 50 KW/h trở xuống và bậc 2 là từ trên 50-100 KW/h điện sử dụng trên tháng; giá bán điện cao nhất là 3.015 đồng/KW/h chưa có thuế Giá trị gia tăng.
“Đến nay, Quyết định số 28 cũng chưa được sửa đổi như ý kiến của cử tri đề nghị. Trước kỳ họp này, cử tri của Quảng Ninh lại tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân, việc Tập đoàn EVN lỗ lớn kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp” - đại biểu phản ánh.
Vì vậy, cử tri đề nghị: Cần xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Đồng thời, cần báo cáo rõ EVN đã thực hiện tinh giản bộ máy biên chế như thế nào? Giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành điện sản xuất? Giải pháp cung, cầu điện có đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không?
Để có cơ sở trả lời kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, EVN báo cáo rõ việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện; phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên phương pháp tính 6 bậc, trong khi đã xác định được những bất cập về phương pháp tính giá này và cần phải cải tiến.
Đồng thời, làm rõ việc chọn thời điểm tăng giá điện, doanh nghiệp gặp khó khăn, nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng lên có phù hợp không, có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ kết quả thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế của EVN và thực trạng tình hình thực hiện điện kế điện tử còn có ý kiến của người dân.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để đề nghị sửa đổi Quyết định số 28 của Chính phủ để thay đổi phương pháp tính giá điện sinh hoạt. Vấn đề này cũng cần được Bộ Công thương và EVN làm rõ tại kỳ họp này.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm kế hoạch giải pháp cân đối cung, cầu điện trong thời gian tới. Tại sao các dự án tái tạo đã đầu tư đến nay chưa được hòa lưới điện, phương pháp sử dụng điện tái tạo như thế nào trong khi đang nhập khẩu điện” - đại biểu Đỗ Thị Lan nêu vấn đề.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện./.