Đơn giản và minh bạch hóa các biện pháp phi thuế quan

(BKTO) - Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được thông qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần tập trung đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu.



Các biện pháp phi thuế quan gia tăng nhanh chóng

Chuyên đề “Tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và cải thiện tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam” trong Báo cáo điểm lại của WB công bố chiều 11/12 cho thấy: Dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết và thực thi, mức thuế quan của Việt Nam đang giảm nhanh, góp phần giảm đáng kể chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đưa Việt Nam thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới. Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên nhanh chóng đến trên 20 lần trong cùng kỳ (ước tính tăng từ 15 biện pháp năm 2003 lên 330 biện pháp trong năm 2015).

Theo ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, sự gia tăng các biện pháp phi thuế quan nhằm làm công cụ bảo hộ thương mại (bảo vệ nền sản xuất trong nước) thay thế cho biện pháp thuế quan cần được cắt giảm theo các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các biện pháp phi thuế quan nếu được thiết kế hoặc thực hiện không phù hợp có thể hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 của WB cho thấy, ở Việt Nam, chi phí thương mại cao chủ yếu do chi phí tuân thủ các biện pháp phi thuế quan. Đơn cử như thời gian tuân thủ về chứng từ đối với các biện pháp phi thuế quan để nhập khẩu là 76 giờ, cao hơn 2,5 lần so với mức bình quân (28 giờ) của 4 quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-4). Tương tự, thời gian tuân thủ về chứng từ đối với các biện pháp phi thuế quan để xuất khẩu là 50 giờ, cao gấp đôi mức trung bình của các nước ASEAN-4 (24 giờ).

Đánh giá về các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam, các chuyên gia của WB chỉ rõ: Hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam hiện nay rất phức tạp với 1056 văn bản quy định, 398 thủ tục hướng dẫn, 397 biểu mẫu quy định thông tin cần thiết, cao hơn rất nhiều so với các nước so sánh (Lào, Campuchia, Bangladesh…). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí thương mại còn cao, điều kiện tạo thuận lợi thương mại và môi trường kinh doanh tại Việt Nam còn hạn chế.

Thiết lập hệ thống phi thuế quan tối thiểu và minh bạch

Cũng theo đánh giá của WB, các biện pháp phi thuế quan ở nước ta hiện nay chưa được định nghĩa và phân loại rõ ràng theo chuẩn mực quốc tế. Điều này có thể làm giảm tính minh bạch và dẫn đến tình trạng tuân thủ không đầy đủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặt khác, việc tồn tại nhiều cơ sở dữ liệu về biện pháp phi thuế quan do mỗi Bộ, ngành cung cấp thông tin và quản lý có thể dẫn đến thông tin không nhất quán, thiếu sự phối hợp trong cập nhật và công bố thông tin, thiếu minh bạch và tăng chi phí hoạt động cho DN. Nhiều nhóm sản phẩm không chỉ chịu tác động của nhiều biện pháp phi thuế quan mà còn chịu các biện pháp của nhiều cơ quan cùng một lúc, làm tăng chi phí của các hoạt động xuất nhập khẩu như: động vật và sản phẩm sống, thực phẩm chế biến; sản phẩm khoáng sản; da và các sản phẩm da, dệt may, giày dép…

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa hệ thống pháp quy về thuận lợi hóa thương mại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần thiết lập một hệ thống biện pháp phi thuế quan tối thiểu và minh bạch. Theo đó, cần đưa ra một định nghĩa chính xác cho các biện pháp phi thuế quan, nhằm tăng cường tính minh bạch, tránh chồng chéo, trùng lặp trong việc thực thi các mục tiêu chính sách, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia và tránh gây xung đột thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng và cập nhật một cơ sở dữ liệu toàn diện và chính xác, công bố công khai, minh bạch giúp DN tiếp cận thông tin để tuân thủ quy định, giúp các cơ quan Chính phủ hoạch định và thực thi các chính sách liên quan đến các biện pháp phi thuế quan một cách hiệu quả. Theo các cam kết quốc tế của Việt Nam, thông tin về biện pháp phi thuế quan cần đầy đủ và toàn diện bao gồm: mã HS (mã số phân loại hàng hóa), thuế suất và các thủ tục kèm theo.

WB cũng khuyến nghị Việt Nam cần lập quy trình chuẩn để rà soát các biện pháp phi thuế quan. Theo đó, chỉ nên đưa ra một biện pháp phi thuế quan khi có bằng chứng rõ ràng cho sự thất bại của thị trường, đã được phân tích, đánh giá thấu đáo nhằm tránh tạo áp lực cho DN, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình rà soát cần thu thập thông tin phản hồi từ DN, các chuyên gia nghiên cứu… Mặt khác, cần thiết kế các quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa và đồng bộ hóa các thủ tục tuân thủ các biện pháp phi thuế quan; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro đề vừa tạo thuận lợi cho DN vừa tiết kiệm nguồn lực quản lý. Đặc biệt, một “nút thắt” quan trọng cần tháo gỡ là tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, trong đó, cần phát huy vai trò của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại trong chỉ đạo phối hợp liên ngành và giám sát việc thực hiện cải cách các biện pháp phi thuế quan.

N. HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018
Cùng chuyên mục
Đơn giản và minh bạch hóa các biện pháp phi thuế quan