Theo cách hiểu phổ biến nhất hiện nay, nền KTPCT không đồng nghĩa với bất hợp pháp, nó là những hoạt động kinh tế đang diễn ra trong nền kinh tế nhưng lại không được thống kê, theo dõi trên các hệ thống tài khoản quốc gia của Chính phủ.
Khu vực KTPCT khiến Nhà nước giảm thu thuế tiềm năng
Trong số những mặt trái của nền KTPCT, vấn đề giảm thu thuế tiềm năng đối với các chính phủ đang được nhiều chuyên gia đánh giá là khá nghiêm trọng. Một nghiên cứu của quốc tế cho rằng, với quy mô nền KTPCT từ 17,6 - 35,7% GDP, mức độ giảm thu thuế tiềm năng sẽ tương ứng từ 3,5 - 6,1% GDP. Do đó, việc nhận diện và quản lý nền KTPCT vừa nhằm mục đích quản lý vừa để hỗ trợ cho khu vực này luôn là yêu cầu đặt ra đối với nhiều chính phủ.
Nghiên cứu của hai tác giả Nguyễn Thái Hòa và Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - cho thấy: Quy mô nền KTPCT ở Việt Nam thay đổi theo từng giai đoạn, thấp nhất khoảng 15% GDP (năm 2006), cao nhất gần 27% GDP (năm 2015). Dù chưa phải là nước có quy mô nền KTPCT cao nhất trong khu vực châu Á, song Việt Nam lại là 1 trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về quy mô nền KTPCT ở mức cao, bình quân mỗi năm tăng 1,2%, chỉ xếp sau Indonesia (3%) và Trung Quốc (2,1%). Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong công tác quản lý và kiểm soát sự gia tăng của khu vực phi chính thức này.
Một trong những tác động đầu tiên và rõ nhất mà nền KTPCT gây ra là tình trạng thất thoát số thu thuế tiềm năng. Với quy mô nền KTPCT ước tính lên đến gần 27% GDP chính thức (năm 2015), có thể thấy, một tiềm năng thuế rất lớn đã nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ cũng như của cơ quan thuế. Sử dụng tỷ lệ thu thuế so với GDP của nền kinh tế chính thức để tính cho nền KTPCT có thể cho thấy một ước tính gần đúng số thuế thất thoát.
Cũng theo tính toán của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hòa và Đỗ Thiên Anh Tuấn, với quy mô và sự phát triển của nền KTPCT trong giai đoạn 1995-2015, mỗi năm Việt Nam có tiềm năng thất thoát số thu thuế bình quân vào khoảng 4,2% GDP, trong đó thấp nhất là 3,3%, cao nhất là 6% GDP. Rõ ràng, đây là mức không nhỏ so với quy mô thu ngân sách chính thức hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công đang ở mức khá cao, số thuế tiềm năng bị giảm từ khu vực KTPCT. Với tỷ lệ thu thuế so với GDP hiện nay vào khoảng gần 20%, nếu tăng được thu từ cả khu vực phi chính thức thì con số có thể lên đến hơn 25% GDP.
Từ các ước tính về quy mô nền kinh phi chính thức cùng số thu thuế thất thoát tiềm năng, nhóm tác giả của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng: Nếu kiểm soát và thu hẹp được phạm vi của nền KTPCT, hay nói cách khác là khuyến khích các chủ thể tham gia ngày một nhiều hơn vào khu vực chính thức thì mỗi năm NSNN có thể đạt được số thu cần có mà không nhất thiết phải tăng thu ở khu vực chính thức. Hơn nữa, việc thúc đẩy “chính thức hóa” nền KTPCT không chỉ giúp tăng cường tính hiệu quả của hệ thống thuế (nhờ mở rộng cơ sở thuế và giảm thuế suất bình quân) mà còn giúp cải thiện tính công bằng, tăng năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Làm sao để quản lývà thu hẹp khu vực KTPCT?
Theo lộ trình cải cách thuế, Chính phủ đã dự kiến mở rộng cơ sở tính thuế, đồng thời tìm biện pháp kiểm soát để cải thiện số thu thuế tiềm năng từ khu vực phi chính thức. Để tạo cơ sở cho kế hoạch này, từ tháng 01/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thống kê lần này là hoàn toàn khả thi. Vấn đề đặt ra là, độ chính xác của những con số đến đâu và thống kê vì mục đích gì. Trên thực tế, nền KTPCT tồn tại những hoạt động kinh tế không được khai báo hoặc thậm chí không thể quan sát hết được, do vậy, việc ước tính quy mô nền KTPCT chỉ là gián tiếp và rất khó chính xác về mặt kỹ thuật.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - cho biết: Hiện, Việt Nam mới có thể thu được thuế vào ngân sách khoảng 5% trong số gần 30% GDP của khu vực kinh tế này. Lý do chính bởi chúng ta không thể quan sát, quản lý để những chủ thể hoạt động KTPCT thực hiện nộp thuế. Theo ông Hồ, trong vấn đề này, quy định pháp luật của nước ta còn nhiều kẽ hở. Lẽ ra, khi số lượng lao động vượt trên con số 10 thì các cơ sở, tổ chức phải đăng ký thành lập DN và đóng các khoản thuế theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều tổ chức đã sử dụng lao động vượt quá số lượng này nhưng vẫn tìm mọi cách luồn lách, chỉ muốn làm hộ kinh doanh cá thể, và quy mô cứ mãi là “vừa và nhỏ”, không thể lớn lên.
Một lý do nữa, các cơ sở kinh doanh phi chính thức chủ yếu nằm ở địa bàn phường xã, nơi nhiều chính quyền thường làm ngơ trước các hộ kinh doanh cá thể hoặc thực hiện hoạt động “bảo kê”. Điều này khiến cho các hộ kinh doanh lẩn tránh được việc nộp thuế, và NSNN vẫn mãi thất thu. Đối với các cơ quan quản lý, đây thực sự là một vấn đề nan giải.
Chuyên gia Nguyễn Thái Hòa và Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu quan điểm: Các biện pháp hữu hiệu nhằm thu hẹp quy mô khu vực phi chính thức không nhất thiết phải bằng các quy định mang tính chất cấm đoán hành chính, như: cấm buôn bán hàng rong, vỉa hè… mà phải xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa đã làm cho khu vực phi chính thức tồn tại. Theo đó, để có thể khuyến khích các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chính thức, Chính phủ nên tập trung vào các biện pháp dài hạn và căn cơ hơn nhằm tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng. Cụ thể như: Tập trung vào việc cải thiện hệ thống luật pháp, trong đó trọng tâm là cải cách hệ thống thuế, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Cải thiện chất lượng thể chế, năng lực quản trị nhà nước; kiểm soát tình trạng tham nhũng ở khu vực công, trọng tâm là loại bỏ các khoản chi phí không chính thức; Ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho phát triển kinh tế dài hạn.
Liên quan đến việc kiểm soát tình trạng tham nhũng ở khu vực công, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: Nhà nước nhất thiết phải chống được tiêu cực, tham nhũng ở bộ máy quản lý, trước hết là các cơ sở phường, xã.
Việc theo đuổi các biện pháp cải cách trên trong dài hạn được kỳ vọng là sẽ tạo ra những tác động tích cực lên các hoạt động kinh tế; thay đổi nhận thức cùng những tính toán về lợi ích và chi phí của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, khuyến khích họ chuyển đổi, tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như cải thiện phúc lợi xã hội.
ĐINH HIỀN
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018