Đồng chí Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hòa Bình

(BKTO) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 4/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

quang.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: N.Lộc

Cùng tham dự có các ĐBQH: Ngô Văn Tuấn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính - Bí thư huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; Bùi Văn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hòa Bình; đại diện các sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc cùng đông đảo cử tri của huyện Đà Bắc. 

Khẳng định vai trò, tiếng nói của cử tri

Tại Hội nghị, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội và kỳ họp chia theo 2 đợt (Đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6 và Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6). Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 11 dự án luật... 

Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. 

Trong đó, một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, quyết định tại Kỳ họp, như: Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023“; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa…

ba-mai(1).jpg

Liên quan đến đề xuất của cử tri về việc kéo dài Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025, Trung ương cũng đã có chủ trương về vấn đề này. Không chỉ giai đoạn 2025-2030 mà còn xa hơn nữa. Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sẽ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách, cũng như có thêm nguồn lực để nâng cao đời sống, hỗ trợ phát triển kinh tế từ nguồn ngân sách Trung ương. Đây không chỉ là kiến nghị của cử tri Đà Bắc, mà là kiến nghị chung của cử tri cả nước và phù hợp với chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước ta

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai

Báo cáo về kết quả hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 6 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai và đổi mới, đa dạng các hoạt động xây dựng pháp luật. Đoàn đã kịp thời tổng hợp ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ theo yêu cầu và kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung sát với tình hình thực tiễn đối với 18 dự thảo luật dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

tong-kt.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình điều hành phần giải đáp, trao đổi với cử tri. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh việc giám sát các chuyên đề theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn lựa chọn, xây dựng kế hoạch để tổ chức khảo sát, giám sát 03 chuyên đề là những vấn đề đang được dư luận, cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm.

“Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề giám sát và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị là đối tượng giám sát thực hiện đảm bảo theo đúng quy định pháp luật” - Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết. 

Cùng với đó, xác định vai trò quan trọng của hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, sát với thực tiễn, quyết tâm theo đuổi, bám sát đến cùng những kiến nghị chính đáng của cử tri.

Tiếp thu, kiến nghị, giải quyết đến cùng các vấn đề cử tri nêu

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri thể hiện sự đồng tình, nhất trí với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua.

_dsc4732(1).jpg
Cử tri huyện Đà Bắc nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu ý kiến, kiến nghị về việc quan tâm chính quyền địa phương quan tâm cải tạo, mở rộng tuyến tỉnh lộ 433; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp; kiến nghị kéo dài Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025; xem xét điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu đối với xã về đích nông thôn mới để phù hợp với đặc thù của các địa phương miền núi; bổ sung mở rộng đối tượng người khuyết tật được vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội…

Tiếp thu ý kiến cử tri, ĐBQH, đại diện lãnh đạo cơ quan trực thuộc tỉnh đã giải đáp, làm rõ những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Liên quan đến ý kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng còn bất cập, chưa phù hợp, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với cử tri, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vai trò của người dân trong tham gia bảo vệ, phát triển rừng là rất quan trọng.

Tuy nhiên, có thực tế là người dân tham gia bảo vệ rừng còn khó khăn, mức kinh phí hỗ trợ chưa tương xứng. Do đó, cùng với các cơ quan chức năng, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến và kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn từ dịch vụ chi trả môi trường rừng cho phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, KTNN cũng vừa tổ chức kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; từ đó kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, trong đó có quy định nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời trực tiếp giải đáp, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.

Liên quan đến kiến nghị bổ sung mở rộng đối tượng người khuyết tật được vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, quy định hiện nay đang giới hạn một số đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, chủ yếu là thương binh, người có công với cách mạng do nguồn kinh phí của Nhà nước còn hạn chế.

Tuy nhiên, trước kiến nghị chính đáng của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp để kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định. 

Đồng chí Trương Thị Mai cũng giải đáp, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề được cử kiến nghị như chăm lo đời sống cho các trường di dời, nhường đất cho thủy điện; việc đảm bảo chính sách cho người dân tham gia bảo vệ rừng... 

Với những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị, thuộc thẩm quyền của địa phương cũng đã được các cơ quan chức năng địa phương trực tiếp giải đáp, cũng như sẽ tiếp thu trong thời gian tới. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp thu, nghiên cứu và có phương án giải quyết trong thẩm quyền đối với những vấn đề được cử tri kiến nghị. 

quang-canh.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của huyện Đà Bắc thời gian qua. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện, trong bối cảnh điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, là huyện miền núi nghèo của cả nước.

Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện cần phát huy kết quả đạt được, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. 

Đặc biệt, đồng chí cũng đề nghị huyện Đà Bắc phải phát triển thực chất, chú trọng chăm lo cho đời sống của người dân, vì cuộc sống tốt hơn của Nhân dân. 

Tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng thông tin về một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những tháng đầu năm qua.

Theo đồng chí, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng của tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và Nhân dân, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, Việt Nam ngày càng khẳng định tiếng nói, vai trò trong cộng đồng quốc tế.

Cùng chuyên mục
Đồng chí Trương Thị Mai cùng Đoàn Đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hòa Bình