Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch

(BKTO) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Điều này khiến cho mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) gặp nhiều thách thức. Trước những khó khăn đó, BHXH Việt Nam đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) vượt qua đại dịch, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.



Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/5, số người tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch BHXH Việt Nam đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, so với thời điểm hết năm 2020, số người tham gia BHXXH giảm 38.941 người.

Theo BHXH Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, công tác phát triển người tham gia BHXH sụt giảm do một số địa phương thực hiện giãn cách, khoanh vùng…

Như tại tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 25/5, có khoảng 625 DN với 263.627 NLĐ tại 10 khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do tác động của dịch bệnh, nhiều DN đã nợ đóng BHXH, BHYT lên đến hàng tỷ đồng. Một số DN do quá khó khăn nên đã phải tạm dừng sản xuất kinh doanh và dừng đóng BHXH…

Tại tỉnh Bắc Ninh có khoảng 125 DN với 17.982 NLĐ tham gia BHXH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính trung bình mỗi đơn vị có khoảng 30% số NLĐ phải nghỉ việc do nằm trong khu vực bị cách ly, phong tỏa. Cùng với đó, số lượng lớn công nhân là F1 phải cách ly tập trung và F2 cách ly tại nhà. Nhiều DN thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và cơ sở mầm non tư thục phải cho 100% NLĐ nghỉ việc, nên không có doanh thu... dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT.
                
   

BHXH Việt Nam đề xuất hỗ trợ cho NLĐ thực hiện cách ly y tế từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: TTXVN

   

Nhằm chia sẻ khó khăn với các DN và NLĐ, mới đây, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số NLĐ tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Theo tính toán của BHXH Việt Nam, dự báo có khoảng 39.000 đơn vị, DN với khoảng 1,15 triệu NLĐ và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng.

Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ NLĐ thực hiện cách ly y tế từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ NLĐ thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021.

BHXH Việt Nam còn đề xuất, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho NLĐ theo phương thức do NLĐ lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, NLĐ chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Tại các địa phương đang là điểm nóng của dịch bệnh, cơ quan BHXH tỉnh cũng chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ, động viên DN khắc phục khó khăn để trích nộp BHXH, BHYT đúng quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án vừa hỗ trợ tối đa cho DN, vừa bảo đảm quyền lợi cho NLĐ; rà soát các DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để hỗ trợ, đôn đốc bằng hình thức gọi điện, gửi thông báo nợ cho các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên…

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch