Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 09/6. Ảnh: quochoi.vn |
Tại phiên chất vấn sáng 09/6, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đã chất vấn Thống đốc NHNN về giải pháp để kiểm soát chương trình cho vay cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% trong gói phục hồi kinh tế, tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết, đặc biệt là trục lợi chính sách?
Bên cạnh đó, sau đại dịch, có nhiều DN còn có khoản vay đang phải hoãn giãn, chưa phải trả nợ và không có tài sản đảm bảo thêm nữa để thế chấp. Những doanh nghiệp này có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi. “Thống đốc cho biết làm thế nào để doanh nghiệp này tiếp cận được gói hỗ trợ?” – đại biểu Hoàng Văn Cường chất vấn.
Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói hỗ trợ mà DN và người dân rất quan tâm. Trong quá trình xây dựng Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN, hộ kinh doanh, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Chính phủ đã nghiên cứu, thiết kế ra các quy định đảm bảo việc triển khai thuận lợi, nhất là hạn chế những khó khăn, vướng mắc.
Về đối tượng vay, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ hai nhóm đối tượng. Đó là nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân ngành kinh tế.
Thứ hai là nhu cầu cho vay đối với việc cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Vấn đề này do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát và công bố danh mục để có cơ sở rõ ràng.
“Để thiết kế một cách công bằng, công khai thì có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, trong khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán. Đặc biệt, trong Nghị định này cũng có quy định sự tham gia của Kiểm toán nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán khoản vay này” – Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quohoi.vn |
Đối với biện pháp hỗ trợ các DN có khoản nợ cũ không có tài sản đảm bảo tiếp cận được gói hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng ở đây là các DN có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn của NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng. Các đối tượng, các DN thuộc các ngành được hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi mới được cho vay. “Nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá, các tổ chức tín dụng đánh giá là DN không đủ điều kiện vay, thì DN cũng không tiếp cận được chương trình này”
Trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội về sự đồng hành chia sẻ của hệ thống ngân hàng đối với DN, nền kinh tế đất nước ta trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã thực sự đồng hành với DN và người dân.
Từ khi xảy ra đại dịch đến nay, các tổ chức tín dụng thực hiện miễn, giảm lãi vay và tổng số tiền giảm đến nay đạt 47.000 - 48.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây là con số đáng được ghi nhận, bởi bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động thu lợi từ lãi vay và các dịch vụ. Do đó việc chấp nhận giảm lãi vay cho thấy sự đồng hành của các tổ chức tín dụng với người dân và DN.
Đồng thời, hoạt động ngân hàng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh không thể tránh khỏi. Do đó, các tổ chức tín dụng cần có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu này.
Trong thời gian vừa qua, NHNN cũng đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, người dân. Trong quá trình thực hiện dư nợ tín dụng đã tăng 8% so với chỉ tiêu 14% cả năm. Đồng thời, nhờ thông tư tái cơ cấu khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ đã giúp DN có khả năng phục hồi tiếp tục được vay vốn.
Tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất với DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.