Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2016, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô và hàng hóa cơ bản giảm mạnh đã tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, đây là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và cũng là năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2016 và trong trung hạn, dài hạn. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn lớn trong Quý I, Quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu Quý III.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển như nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Bối cảnh thế giới và khu vực dự báo có nhiều biến động khó lường, trong khi đó giai đoạn tiếp theo được xác định là giai đoạn tăng tốc để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Quang cảnh diễn đàn.Ảnh: TTXVN
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định, 2016 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thành công nhờ các chính sách hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù môi trường toàn cầu bất lợi, nhưng nền kinh tế vẫn phản ứng tốt nhờ cầu trong nước mạnh và ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng đạt 6% - thuộc nhóm cao nhất so với khu vực và trên toàn cầu.
Chính phủ hành động phục vụ người dân, DN
Tại Diễn đàn, các chuyên gia quốc tế chỉ rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về năng suất. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đạt 4% và có xu thế đi xuống. Trong khi đó, tỷ lệ tăng năng suất lao động của Trung Quốc là trên 7%, của Hàn Quốc là 5% khi các nước này còn ở cùng trình độ phát triển như hiện nay của Việt Nam. Để chấm dứt tình trạng này, Việt Nam cần thúc đẩy, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, khuyến khích các thành phần kinh tế kết nối và cạnh tranh nhằm tạo ra những chuỗi giá trị hiệu quả.
Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại đối với sự gia tăng ảnh hưởng lên môi trường của Việt Nam. Trong 5 năm qua, phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng với tốc độ cao nhất trong khu vực, trong đó, ngành năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất. Muốn phát triển theo con đường tiết kiệm năng lượng và hoàn thành mục tiêu giảm phát thải, Việt Nam cần tính đến khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió, hơi đốt, điện mặt trời và đồng thời khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện.
Đối với vấn đề giảm nghèo và phúc lợi xã hội, tuy đã đạt nhiều tiến bộ nhưng nhiều người dân Việt Nam vẫn thuộc diện nghèo. Nhiều chỉ số cho thấy còn hạn chế trong việc cải thiện cơ hội kinh tế và xã hội cho nhóm dân tộc thiểu số. Do đó, cần gấp rút tìm ra phương pháp và cách làm mới nhằm giảm nghèo và tăng phúc lợi cho người thiểu số.
Một vấn đề nữa được đặt ra là Việt Nam sẽ huy động vốn như thế nào cho chương trình phát triển khi các nguồn vốn ưu đãi chấm dứt, trong khi 5 năm qua tỷ lệ thu ngân sách/GDP đã giảm từ 27% xuống 21%. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tăng cường thu trong nước, tiết kiệm chi, tăng cường năng lực quản lý nợ, nhất là thị trường nợ trong nước. Ngoài ra, cần sử dụng vốn ODA một cách chiến lược hơn, tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn và hướng tới mục đích thu hút đầu tư tư nhân.
Thể hiện rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, DN, khi phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại; tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát triển thị trường mua bán nợ; ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và nỗ lực triển khai hiệu quả 12 FTA đã ký kết.