Động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

(BKTO) - Đến nay, Hòa Bình có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Trong đó, có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 75 khu dân cư kiểu mẫu và 258 vườn mẫu.

2(2).jpg
Cam Cao phong - một trong những sản phẩm OCOP nổi bật của Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ năm 2021 đến nay gần 16.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 562,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.342,7 tỷ đồng; vốn lồng ghép gần 3.532 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động từ các nguồn hợp pháp, vốn tín dụng hơn 10.032 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 445 tỷ đồng; huy động từ người dân và cộng đồng hơn 571 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn ở các vùng nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc thực hiện các quy hoạch nông thôn mới đã có tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đến nay có 129/129 xã đạt 100% số xã đạt tiêu chí số 1 về Quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới.

Hiện nay, đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Toàn tỉnh đã có 86/129 (đạt 66,7%) xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện); cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.

Tăng cường huy động được nhiều nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đạt được những kết quả quan trọng. Hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh; hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và có bước chuyển biến tích cực; hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, điện, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch được quan tâm đầu tư, tạo ra diện mạo mới cho tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Toàn tỉnh có 88/129 xã (68,2%) đạt tiêu chí số 2 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới; có 129/129 xã đạt tiêu chí số 3 về thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai;129/129 xã có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, đạt 100% tiêu chí số 4 về điện; 84/129 (đạt 65,1%) xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học và 127/129 (đạt 98,5%) xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 86/129 xã (66,7%) đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá; 128/129 xã (99%) đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 104/129 xã (80,6%) đạt tiêu chí số 15 về y tế; 129/129 xã (100%) đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế địa phương, Hòa Bình có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 02 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là nhóm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: cam Cao phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen, du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc.

Hệ thống y tế cơ sở từng bước được nâng cao, trong đó y tế xã đóng vai trò nòng cốt, đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ số sức khoẻ, tăng cường tiếp cận của người dân tới dịch vụ y tế chất lượng với chi phí hợp lý, góp phần tăng cường và hướng tới bao phủ sức khoẻ toàn dân. Duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1; từng bước nâng cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khoẻ cho người dân; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa địa phương, dân tộc phục vụ phát triển du lịch. Đến nay toàn tỉnh đã có 127 xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hoá (đạt 98,5%).

Đến tháng 4/2024, toàn tỉnh đã có 125/129 xã (96,9%) đạt tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 107/129 xã (82,9%) đạt tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới

Cùng chuyên mục
Động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn