Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước

(BKTO) - Đây là khẳng định của đồng chí Thái Thanh Quý - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương - tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, tổ chức sáng 13/01, tại Hà Nội.

hn7.jpg
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

KHCN thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ; nhiều công trình nghiên cứu đã có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, y học, dược học, năng lượng, dầu khí, cơ khí, chế tạo, quân sự, an ninh...

Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực cho việc cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tiềm lực KHCN đã được tăng cường. Các tổ chức KHCN và đội ngũ cán bộ phát triển triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST.

Quản lý nhà nước, cơ chế chính sách về phát triển, quản lý KHCN được tiếp tục đổi mới; đã hình thành hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển hệ thống ĐMST quốc gia...

dsc_2514.jpg
Các đại biểu của Kiểm toán nhà nước tham dự Hội nghị tại điểm cầu 116 - Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ảnh: M. Thúy

Các số liệu thống kê cụ thể cho thấy, nước ta có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện có gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Theo đồng chí Thái Thanh Quý, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển.

Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng KHCN còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương…

Lý giải cho các yếu kém nêu trên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ yếu về nhận thức và tư duy của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa đầy đủ, rõ ràng về vai trò đột phá chiến lược của phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; về sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới cơ chế quản lý phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; về đặc thù của lĩnh vực này là tính sáng tạo, mang tính rủi ro và có độ trễ; chưa thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội....

"Nguồn lực đầu tư dành cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS ở mức thấp. Nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở sự phát triển của phát triển KHCN, ĐMST và CĐS chưa được giải quyết đồng bộ, dứt điểm, nhất là cơ chế quản lý tài chính, đầu tư chậm đổi mới, không phù hợp; thiếu thể chế thử nghiệm, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro" - đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, lượng tử, tự động hóa... tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi toàn diện phương thức sống, làm việc của con người, KHCN, ĐMST và CĐS đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý khẳng định, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, cần có những đột phá, trong đó đột phá KHCN, ĐMST và CĐS chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - đồng chí Thái Thanh Quý khẳng định./.

Cùng chuyên mục
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước