Dự án đã góp phần cải thiện đáng kể cảnh quan, giao thông và vệ sinh môi trường đô thị khu vực hai bờ sông Tô Lịch. Ảnh: T.S
Báo cáo kiểm toán nêu rõ, Dự án II được đầu tư với mục đích chống úng ngập thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày; chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống, ứng với lượng mưa là 70mm/giờ; cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch, là cơ sở để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của Thành phố. Bên cạnh đó, Dự án cũng hướng đến tăng cường năng lực, phương tiện vật chất, quản lý bảo dưỡng hệ thống thoát nước, đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao năng lực cơ cấu tổ chức hệ thống pháp lý quản lý hệ thống thoát nước thải.
Với tổng mức vốn đầu tư hơn 9 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư đợt V là 1.187 tỷ đồng (gồm vốn từ NSNN và vốn vay ODA), Dự án II đã tập trung đầu tư chi phí cho xây lắp, mua sắm thiết bị cho Trạm bơm Yên Sở và bãi đổ đất, bùn; cải tạo kênh thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ và Sét; cải tạo hồ; cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin; thay thế cầu qua các sông Tô Lịch, Lừ, Sét); mua sắm thiết bị nạo vét; đền bù giải phóng mặt bằng…
Kết quả kiểm toán cho thấy, chủ đầu tư là Sở Xây dựng Hà Nội và Ban Quản lý Dự án II đã có nhiều cố gắng trong công tác triển khai, quản lý dự án theo các quy định của Nhà nước và nhà tài trợ. Cụ thể, công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt Dự án đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Công tác khảo sát đã tuân thủ đúng đề cương phê duyệt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công tác thiết kế và dự toán. Hồ sơ thiết kế được tính toán đúng quy trình quy phạm cũng như các Tiêu chuẩn Việt Nam và yêu cầu Dự án. Dự toán được lập trên cơ sở định mức của Bộ Xây dựng và đơn giá địa phương tại thời điểm phát sinh. Thiết kế và dự toán được thẩm định và phê duyệt đúng thẩm quyền.
Đặc biệt, do đa số công trình được đưa ra đấu thầu nên đã làm tăng tính kinh tế của Dự án. Điển hình như đối với gói thầu xây lắp Trạm bơm Yên Sở và bãi đổ (CP1), qua đấu thầu giá trị hợp đồng đã giảm 18,3 tỷ (tương ứng với 11,7%); gói thầu thay thế cầu qua các sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc các sông này (gói thầu 5.1) đã giảm 64,5 tỷ đồng (tương ứng với 9,3%) so với giá trị dự toán được duyệt. Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu của Dự án đã được thực hiện đúng trình tự. Kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả xét thầu được lập và phê duyệt đúng quy định; các nhà thầu được lựa chọn đều có đủ năng lực thi công.
Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư của Dự án đã đảm bảo tuân thủ các quy định. Khối lượng thi công từng hạng mục sau khi được nhà thầu nghiệm thu nội bộ đều được tư vấn giám sát kiểm tra, xác nhận, nghiệm thu và được Ban quản lý dự án nghiệm thu giai đoạn hoàn thành. Tính đến thời điểm kiểm toán, các công trình xây lắp hoàn thành đã được bàn giao và đưa vào sử dụng (2 gói thầu) đã đáp ứng yêu cầu của Dự án. Quan trọng hơn, việc chấp hành đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo tính trung thực trong quản lý tài chính kế toán của Dự án đã góp phần xây dựng lòng tin của nhà tài trợ, góp phần đảm bảo duy trì hiệu lực của Hiệp định vay vốn đối với Dự án II.
Bên cạnh những kết quả trên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại của Dự án, nhất là việc chậm bàn giao mặt bằng đã phần nào làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thành phố phải điều chỉnh thời hạn hoàn thành Dự án ban đầu từ năm 2011 đến năm 2014. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về tính hiệu quả của Dự án II, Báo cáo kiểm toán đã khẳng định, về cơ bản bước đầu Dự án đã góp phần giải quyết việc chống úng ngập thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa và cải thiện môi trường cho lưu vực sông Tô Lịch; là cơ sở để hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố. Các gói thầu cải tạo, nạo vét hồ, kênh mương và đường ven sông đã góp phần cải thiện đáng kể cảnh quan đô thị, đi lại thuận tiện và vệ sinh môi trường đô thị khu vực trung tâm thành phố. Chẳng hạn như gói thầu cải tạo các hồ Hố Mẻ, Hào Nam, Bảy Mẫu đã nạo vét và cải tạo được 39,2 ha mặt nước và lòng hồ, xây mới kiên cố hơn 5 km bờ hồ. Hơn thế nữa, Dự án không chỉ giải quyết nguồn nước mưa ngập lụt do thiên nhiên mà còn có tác dụng thoát nước thải sinh hoạt và sản xuất của thành phố, đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của thành phố được diễn ra thuận lợi trong mùa mưa lũ.
ĐĂNG KHOA