Qua 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển, bình quân hàng năm KTNN thực hiện khoảng 170 đến 190 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng cao hơn năm trước, số cuộc kiểm toán chuyên đề ngày càng tăng. Ảnh: THANH TÙNG
Những kết quả nổi bật
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 cho biết, bình quân hàng năm, KTNN thực hiện khoảng 170 đến 190 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng khoảng 10% so với năm trước, số cuộc kiểm toán chuyên đề ngày càng tăng. Tính riêng giai đoạn 2010 - 2013, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 76.392 tỷ đồng (trong đó tăng thu NSNN 14.343 tỷ đồng, giảm chi NSNN 12.220 tỷ đồng), chiếm 52% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm. Năm 2014, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của 143/189 cuộc kiểm toán đã phát hành Báo cáo hoặc trình phát hành đến ngày 24/12/2014 là 22.501 tỷ đồng (trong đó tăng thu NSNN 4.751 tỷ đồng, giảm chi NSNN 3.851 tỷ đồng). Bên cạnh kết quả nổi bật này, KTNN ngày càng cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị trong thực tiễn.
Đánh giá kết quả đóng góp, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của KTNN từ năm 2010 đến nay, Báo cáo nêu rõ, KTNN đã kiến nghị sửa đổi 237 văn bản, kiến nghị hủy bỏ 92 văn bản. Tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong giai đoạn 2010 - 2014, KTNN đã cung cấp 58 hồ sơ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương, chuyển sang cơ quan điều tra 8 hồ sơ với 10 vụ việc để điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật. Kết quả hoạt động của KTNN đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với hoạt động kiểm toán và cơ quan KTNN.
Đề cập đến kết quả thực hiện từng mục tiêu cụ thể đã nêu trong Chiến lược, Báo cáo nêu rõ: Với mục tiêu tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán, 5 năm qua, KTNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN để làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, từng bước tạo sự minh bạch, chính quy trong tổ chức và hoạt động kiểm toán. Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 27 văn bản; sửa đổi, bổ sung 2 văn bản; bãi bỏ 10 văn bản. Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung 8 quy trình kiểm toán, các quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán… đã giúp ngành nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trên mọi lĩnh vực.
Nhằm bảo đảm tính hiệu lực, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, hoạt động, KTNN đã nỗ lực nghiên cứu, kiến nghị nâng cao địa vị pháp lý KTNN trong Hiến pháp. Kết quả, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 trong đó bổ sung Điều 118 quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trên cơ sở đó, KTNN đã hoàn thành tổng kết 8 năm thực hiện Luật KTNN và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Luật KTNN (sửa đổi) trình Quốc hội.
Do xác định được tầm quan trọng của việc áp dụng chuẩn mực KTNN vào thực tiễn, KTNN đã lên kế hoạch xây dựng và ban hành Hệ thống chuẩn mực KTNN mới theo chuẩn quốc tế với 44 chuẩn mực hoàn thành trong giai đoạn 2014 - 2016, thay thế cho Hệ thống 21 chuẩn mực KTNN ban hành năm 1999 đã lạc hậu, không còn phù hợp. Đến nay, KTNN đã ban hành 4 chuẩn mực KTNN và đang hoàn thiện dự thảo 8 chuẩn mực KTNN.
Chú trọng đến chất lượng
Thực hiện mục tiêu tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng kiểm toán và giá trị của Báo cáo kiểm toán, KTNN đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp lập kế hoạch kiểm toán thông qua việc tăng cường công tác khảo sát đối tượng kiểm toán, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; tăng cường năng lực chỉ đạo xây dựng, thẩm định kế hoạch kiểm toán. Kết quả, KTNN đã nâng cao một bước về chất lượng kiểm toán Báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, từng bước mở rộng kiểm toán hoạt động trong kế hoạch kiểm toán hàng năm theo Chiến lược phát triển.
Đồng thời, KTNN cũng tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, đẩy mạnh hoạt động thanh tra cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực. Thông qua việc ban hành Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán và áp dụng vào thực tiễn, KTNN đã kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm toán từ tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và kiểm soát của lãnh đạo KTNN thông qua Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán kiểm soát đối với 100% các cuộc kiểm toán.
Song song với các mục tiêu trên, KTNN đã tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên. Thực hiện các Đề án tuyển dụng công chức, viên chức, trong giai đoạn 2010 - 2014, KTNN đã tuyển dụng được 777 cán bộ. Đến nay, số lượng công chức, viên chức của toàn ngành là 1.900 người, trong đó đội ngũ kiểm toán viên là 1.561 người (100% có trình độ từ đại học trở lên), chiếm 82%.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành và hỗ trợ hoạt động kiểm toán, KTNN đã xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống kết nối cơ sở hạ tầng CNTT và vận hành hệ thống thư điện tử trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại của KTNN ngày càng được mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu. KTNN đã thiết lập và mở rộng quan hệ song phương với hàng chục cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đến hết năm 2014, KTNN đã ký kết 22 Thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó có nhiều cơ quan kiểm toán giữ vai trò chủ chốt trong INTOSAI và ASOSAI, nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán danh tiếng. Về quan hệ đa phương, KTNN đã chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động của INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI. Vừa qua, Ban Điều hành ASOSAI đã giới thiệu KTNN Việt Nam là đơn vị duy nhất ứng cử đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018. Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế và Đại sứ quán các nước cũng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai kiểm toán các dự án sử dụng vốn tài trợ ODA, kiểm toán chung và huy động nguồn lực tài trợ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN.
Đáng chú ý, 5 năm qua, cùng với sự phát triển của KTNN, hoạt động công tác Đảng và các đoàn thể luôn được Ban cán sự Đảng, Đảng ủy quan tâm, củng cố. Đến nay, Đảng bộ KTNN là Đảng bộ cấp trên cơ sở có 32 tổ chức đảng trực thuộc với tổng số hơn 1.200 đảng viên, chiếm 63% tổng số cán bộ toàn ngành; và luôn được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Kiên định với các mục tiêu của Chiến lược, trong năm 2015, KTNN sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp: hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN; đổi mới nội dung và phương pháp kiểm toán, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán và giá trị của Báo cáo kiểm toán; hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN và tăng cường năng lực đội ngũ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đề xuất và xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ thông qua Luật KTNN (sửa đổi); cho phép KTNN thành lập Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm toán và Viện Nghiên cứu Khoa học kiểm toán theo đúng tiến độ của Chiến lược; xem xét bổ sung biên chế hợp lý cho KTNN…