Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều.
Nâng mức vốn điều lệ của công ty đại chúng lên 30 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật cũng sẽ giúp tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong tình hình mới.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn |
Một nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật là quy định về công ty đại chúng (CTĐC). Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với tiêu chí CTĐC có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên như hiện nay, nhiều công ty có quy mô nhỏ không đủ năng lực, nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu về quản trị công ty, công bố thông tin, kiểm toán và các nghĩa vụ khác theo quy định.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, bảo đảm quy mô, tính đại chúng của công ty, tính khả thi trong thực hiện, không gây xáo trộn thị trường, Dự thảo Luật sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông (có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ) cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Đồng thời, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng (tương ứng với việc nâng điều kiện về vốn điều lệ trong chào bán chứng khoán ra công chúng).
Thẩm tra Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), liên quan đến nội dung này, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành CTĐC là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô thị trường chứng khoán hiện tại.
Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán, quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các DN có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên. Do đó, việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên; đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế - xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí giữ điều kiện vốn điều lệ với CTĐC như hiện nay vì hiện có hơn 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa với mức vốn trung bình khoảng 11 tỷ đồng. Việc quy định tăng mức vốn điều lệ như Dự thảo Luật sẽ là rào cản đối với các DN nhỏ và vừa có nhu cầu huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị, Dự thảo Luật cần có quy định về quản trị CTĐC phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với những đặc thù riêng, bảo đảm sự an toàn và lành mạnh của thị trường chứng khoán và bảo vệ nhà đầu tư.
Xác lập vị trí độc lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để tăng cường phân cấp, quyền hạn, trách nhiệm cho Ủy ban.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, vị trí, vai trò của (UBCKNN) cần được xác lập để Ủy ban này có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với thị trường chứng khoán.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)- Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của UBCKNN, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCKNN, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để bảo đảm ổn định, UBCKNN trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần tăng thẩm quyền quản lý nhà nước và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết. Bởi UBCKNN độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).
UBCKNN trực thuộc Chính phủ cũng sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động, đáp ứng tính chủ động, kịp thời.
Việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ mặc dù phát sinh thêm đầu mối về tổ chức, nhưng sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, cần tách bạch chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các trung gian tài chính, đồng thời vẫn bảo đảm chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong trường hợp cần thiết.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của UBCKNN và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.
Đ. KHOA