Một năm thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản công: Các địa phương vẫn loay hoay với việc sắp xếp và xử lý nhà, đất

(BKTO) - Sau hơn một năm có hiệu lực, việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đang gặp khó khăn khi mới chỉ có khoảng 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành quy định hướng dẫn Luật. Đặc biệt, việc sắp xếp và xử lý nhà, đất tại các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc.




Nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh: Minh Thái
Tài sản cần xử lý thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định nào?

Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính mới tổ chức, ông La Văn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho biết: Để hướng dẫn thực hiện Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (Nghị định 167) thay cho Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, văn bản này vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: chưa bao quát hết các đối tượng; việc phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý; việc xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại các Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg (Quyết định 09), Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa rõ ràng....

Về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho hay: Hà Nội đã ban hành một số văn bản thực hiện Luật, tuy nhiên, Thành phố cũng gặp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: việc xác định phạm vi điều chỉnh đối với các cơ sở nhà, đất được đầu tư xây dựng bằng nguồn quỹ phúc lợi của các DN; đất, nhà, công trình gắn liền với đất là tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng; xác định đối tượng áp dụng đối với các công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty con cấp 2, cấp 3; lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu khi được chuyển tiếp theo hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Cụ thể là, có trường hợp phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa và thoái vốn của DN không đúng quy hoạch nên địa phương khó xử lý và chậm phê duyệt phương án sử dụng đất. Đã có DN cho rằng, chính quyền địa phương thiếu sự phối hợp khi phê duyệt phương án sử dụng nhà, đất. Tuy nhiên, đối với những trường hợp như vậy, địa phương đề nghị chưa phê duyệt và đã ghi rõ lý do vào bản cáo bạch khi DN trình phương án cổ phần hóa. Bên cạnh đó, khi thực hiện sắp xếp và xử lý nhà đất công, các địa phương còn gặp một trở ngại khác là không xác định được đơn vị thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 167 hay Quyết định 09 bởi quá trình cổ phần hóa kéo dài nhiều năm, “vắt” qua nhiều thời điểm có hiệu lực của các văn bản pháp lý nói trên.

Cũng gặp vướng mắc tương tự, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - thừa nhận, địa phương do ông quản lý đang lúng túng bởi nhiều trường hợp khó xác định đối tượng có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167 hay không. Bởi lẽ, văn bản này điều chỉnh các loại nhà, đất, công trình và tài sản gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và DN đang quản lý, trong khi trên thực tế còn có các loại tài sản thuộc sở hữu nhà nước khác như: nhà đất tái định cư, nền đất còn lại sau khi bố trí, đất kênh - rạch do Nhà nước quản lý, nhà đất đang ký hợp đồng cho thuê làm nhà ở, nhà đất vắng chủ đã kiểm kê nhưng chưa quản lý...

Cần sự phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương để xử lý vướng mắc

Từ thực tế trên, đại diện UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 167 để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đặc biệt tài sản công là nhà, đất.

Trước các ý kiến này, ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng: Việc xác định tài sản công là đối tượng thuộc quy định nào thực sự cũng khá phức tạp. Trong một số trường hợp, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các địa phương để xem xét, xử lý. Bộ cũng đang xây dựng phương án sửa đổi Nghị định 167, trong đó có một số nội dung tháo gỡ những vướng mắc mà địa phương đã phản ánh.

Bộ Tài chính đề xuất các Bộ, cơ quan T.Ư, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương xây dựng, chỉnh lý hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị để đẩy nhanh việc xử lý tài sản công. Việc sắp xếp và xử lý nhà, đất tại các DNNN đang thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn cần được chú trọng để thực hiện đúng quy định và tránh thất thoát.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công, phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát tài sản.

Một số vấn đề khác cũng cần tiếp tục trao đổi như: việc quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp NSNN. Cùng với đó, cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc DN 100% do Nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của Nhà nước. Trong đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019
Cùng chuyên mục
Một năm thực hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản công: Các địa phương vẫn loay hoay với việc sắp xếp và xử lý nhà, đất