Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Quang Khánh.
Nhiều hành vi vi phạm chưa bị cấm trong Luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012, có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2013, trừ các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2014. Sau hơn 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn như: quy định về giải thích từ ngữ “tái phạm” có sự không thống nhất với quy định “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; sự không thống nhất giữa quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 và điểm b, khoản 1, Điều 10 về việc xử lý đối với trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”; Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về những hành vi bị nghiêm cấm nhưng trên thực tế, còn một số hành vi vi phạm thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật hiện hành quy định là hành vi bị nghiêm cấm…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu- Ảnh: Quang Khánh.
Trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như xây dựng dự thảo Luật này, các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nhiều nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Cho ý kiến tại Phiên họp lần thứ 42,Ủy ban Thường vụ Quốc cũng cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự án Luật. Tuy nhiên, còn 2 vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội là: Việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” và việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy.
Cần thêm công cụ xử lý vi phạm?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luậtnhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu -Ảnh: Quang Khánh.
Về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” (dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này). Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, nhiều thành viên Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của Luật hiện hành, góp phần bảo đảm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời”. Quy định này cũng luật hóa biện pháp ngừng cung cấp điện, nước đã từng được quy định ở văn bản dưới luật (Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7.12.2027 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng) để đình chỉ thi công công trình xây dựng trái phép. Mặt khác, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là “nguyên liệu” quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chínhphải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm. Hơn nữa, Luật hiện hành đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính “trực tiếp” để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất, bổ sung biện pháp cưỡng chế này để có thêm công cụ hữu hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã áp dụng các biện pháp hiện hành như đề xuất trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị thu hẹp trường hợp áp dụng biện pháp này theo hướng chỉ áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Theodaibieunhandan.vn